Mô hình trình diễn các giống lúa lai BTE – 1, HKT 99, Thịnh Dụ 11 và giống lúa thuần chất lượng Hương thơm Kinh Bắc tại 200 hộ dân, quy mô 30 ha trên địa bàn thành phố Thái Nguyên thuộc các xã Thịnh Đức, Cao Ngạn, Phúc Xuân, Phúc Trìu và phường Tích Lương. Người nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% giá giống và 40% giá vật tư theo quy trình kỹ thuật. Mô hình được đối chứng với giống lúa lai Nhị ưu 838 và lúa thuần Khang dân 18.

Cùng với trình diễn các giống lúa thuần, lúa lai mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng mô hình sử dụng máy cấy lúa cầm tay để cấy theo băng hoặc cấy lúa theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp để tận dụng hiệu ứng hàng biên; bón phân viên nén dúi sâu N-K; phòng trừ tổng hợp dịch hại cây trồng, trong đó có sử dụng chế phẩm sinh học SUMITRI để phân hủy rơm rạ sau thu hoạch và áp dụng một số biện pháp khác để quản lý dịch hại cây trồng.

Trình diễn máy cấy cầm tay tại Thái Nguyên

Chế phẩm sinh học SUMITRI được trộn với phân hóa học hoặc đất dải đều trên mặt ruộng sau đó cày bừa ngâm ruộng; khi mạ đủ tiêu chuẩn thì làm đất cấy như bình thường. Ruộng được xử lý chế phẩm SUMITRI rơm, rạ phân hủy nhanh thành phân bón hữu cơ, khắc phục bệnh nghẹt rễ ở lúa...

Kết quả cho thấy các giống lúa trình diễn được xử lý rơm rạ bằng chế phẩm SUMITRI và sử dụng phân viên dúi nên được cung cấp đầy dủ dinh dưỡng ngay từ đầu vụ giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; đẻ nhánh khỏe, tập trung. Trong khi ruộng đối chứng nhiều đám ruộng bị ngộ độc hữu cơ nặng ở giai đoạn đẻ nhánh… Mô hình đã đưa máy cấy cầm tay vào sản xuất giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất. Phương pháp cấy hàng rộng hàng hẹp vừa tận dụng được hiệu ứng hàng biên vừa thuận lợi cho việc dúi phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa.

Các giống lúa lai đưa vào trình diễn có thời gian sinh trưởng từ 110 – 120 ngày (riêng BTE – 1 là 120 - 125 ngày), lúa thuần từ 105 - 110 ngày đều tương đương với giống đối chứng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

Tham quan mô hình ứng đụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh giống lúa BTE-1

Quá trình sản xuất được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nên cây lúa trình diễn cho năng suất cao, các giống lúa lai đều đạt năng suất từ 69 - 72,2 tạ/ha trong khi giống Nhị ưu 838 chỉ đạt 61 tạ/ha; giống lúa thuần Hương thơm Kinh Bắc đạt gần 64 tạ/ha, hơn Khang dân 18 gần 17 tạ/ha. Các giống lúa lai trong mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng từ 12,5 – 14,7 triệu đồng/ha, riêng lúa thuần chất lượng Hương thơm Kinh Bắc cao hơn gần 27 triệu đồng/ha.

Mô hình trình diễn thành công đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác lúa của người nông dân; từ đó áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất lúa để tăng năng suất chất lượng gạo; tiết kiệm giống, vật tư, giảm công lao động, hạn chế sâu bệnh hại và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đồng thời, qua mô hình Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đáng giá hiệu quả thâm canh lúa bằng phương pháp cấy hàng rộng hàng hẹp, kết hợp với bón phân nén dúi sâu N-K một cách chính xác hơn để có cơ sở tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên