Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng rừng gỗ lớn tại Thanh Hóa, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo hướng công nghệ cao (keo lai mô), quy mô 126 ha với sự tham gia của 72 hộ nông dân tại địa bàn 7 huyện trong tỉnh. Mô hình đã được các địa phương và các hộ tham gia đánh giá bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt.

Giống keo lai mô được chuyển giao trong mô hình là 3 dòng BV10, BV16 và BV33. Đây là giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia. Giống keo lai được ươm trong bầu hữu cơ với thành phần giá thể từ rơm rạ, bã mía, mùn cưa... có ưu điểm hơn hẳn so với bầu đất như giảm công vận chuyển, hạn chế môi trường do không sử dụng túi bầu ni-lon, bén rễ nhanh... Bên cạnh yếu tố giống, mô hình còn áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật từ các khâu phát dọn thực bì, làm đất, đào hố, bón phân, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Vì vậy, cây trong mô hình sinh trưởng vượt trội so với sử dụng giống đại trà cũng như kỹ thuật đang áp dụng tại địa phương.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo hướng công nghệ cao (keo lai mô) tại Thanh Hóa

 

Theo kết quả nghiệm thu mô hình trồng cho thấy, tỷ lệ cây sống trung bình đạt 96%, chiều cao cây đạt từ 1,1-1,3 (m), đường kính gốc đạt 1,2-1,4 (cm). Khả năng tăng trưởng của giống nhanh và tạo sinh khối lớn, cao hơn 1,2-1,5 lần so với giống dân tự mua trồng tại địa phương.

Theo ước tính, nếu chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ 5-7 năm, trữ lượng đạt khoảng 140m3/ha, sau khi trừ chi phí thì thu nhập trung bình là 15-17 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ 10-12 năm, trữ lượng đạt khoảng 200-250m3/ha, sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình là 35-40 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy hiệu quả của trồng rừng gỗ lớn cao gấp 2-2,5 lần so với chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ cùng loại. Ngoài ra trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cũng giảm số lần trồng lại và số lần khai thác rừng, qua đó giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế xói mòn rửa trôi đất mặt,  góp phần bảo vệ môi trường.

Với kết quả bước đầu, mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo hướng công nghệ cao (keo lai mô) là điểm để các địa phương, nông dân tham quan, học tập và nhân rộng.

Trịnh Hà

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa