Khi tham gia mô hình, các hộ được cấp 100% con giống gà ri lai 01 ngày tuổi, 50% vật tư (thức ăn, thuốc thú y, hóa chất sát trùng và vắc-xin cho gà), và được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo nhân rộng, tổng kết mô hình. Đến nay, sau 3 tháng nuôi cho thấy tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; trong đó hộ nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất là 96,3%, hộ nuôi thấp nhất là 93,9%. Trọng lượng trung bình toàn đàn đạt 2,2 kg/con. Trong quá trình nuôi không có dịch bệnh xảy ra. Để đạt được kết quả này, ngoài yếu tố về giống thì vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng cũng hết sức quan trọng. Các hộ đã biết tiếp thu và áp dụng tốt quy trình kỹ thuật vào quá trình chăm sóc nuôi dưỡng như: vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn gà theo đúng quy trình kỹ thuật nên không có dịch bệnh xảy ra, nhờ đó đàn gà khỏe mạnh, phát triển tốt, tăng trọng nhanh, giảm được tỷ lệ hao hụt.

Bên cạnh đó, các hộ đã liên kết lại với nhau tạo thành nhóm chăn nuôi với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ nhau trong quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà, cùng nhau kết nối mua vật tư đầu vào và hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả hơn. Từ đó cho thấy việc liên kết các hộ với nhau là một hướng đi đúng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo tâm lý cho bà con vùng miền núi yên tâm phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Mô hình liên kết hộ trong chăn nuôi gà thịt đạt hiệu quả cao được triển khai thành công đã góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống tại địa phương, giúp người dân thấy được vai trò của mối liên kết các hộ trong chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang các mô hình trang, trại gia trại để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển chăn nuôi gà có sự liên kết giữa các hộ để tiêu thụ sản phẩm hướng chăn nuôi bền vững tại địa phương./.

Thu Hiền 

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa