Vụ Xuân 2018, Trạm Khuyến nông Tĩnh Gia thực hiện mô hình "Sản xuất thâm canh giống lạc mới L26 trên diện tích chuyên màu theo chuỗi giá trị” với quy mô 8 ha, 40 hộ tham gia thực hiện tại thôn Khánh Vân, xã Hải Nhân. Bà con trực tiếp thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón; được tham dự tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống lạc mới L26 theo chuỗi giá trị như: xác định được khung thời vụ, cách xử lý hạt giống, mật độ trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm lạc; dự các cuộc hội thảo, tổng kết nhân rộng mô hình; tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị cung ứng, bao tiêu sản phẩm.

Các đại biểu tham quan mô hình

Giống lạc L26 có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, tỷ lệ nhân đạt cao, giống sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 120-135 ngày.

Mô hình triển khai đã đem lại nhiều ưu điểm trong quá trình canh tác của bà con như: nâng cao kỹ năng sản xuất của người nông dân, đủ năng lực tạo thành chuỗi giá trị; hạn chế sâu, bệnh, côn trùng gây hại, tăng giá trị thương phẩm; nông dân chủ động sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp, ý thức sản xuất hàng hóa ngày càng cao. Sản xuất giống lạc mới L26 trên diện tích chuyên màu theo chuỗi giá trị là phương pháp canh tác mới, có hiệu quả cao về mặt xã hội, giúp nông dân yên tâm sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong quá trình canh tác.

Sau 5 tháng triển khai, năng suất mô hình đạt 30 tạ/ha, cao hơn 6 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 12 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống. Đặc biệt qua hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình, các đại biểu và bà con nông dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mô hình khi thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất và mong muốn được nhân rộng trong các vụ tiếp theo. Từ kết quả đạt được, xã Hải Nhân nói riêng và các xã có diện tích trồng lạc lớn trong huyện Tĩnh Gia nói chung đã trao đổi, nhân giống và dự định mở rộng diện tích 20 ha ở vụ tiếp theo.

Để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích lạc ở Tĩnh Gia theo chuỗi giá trị, hình thành vùng thâm canh sản xuất lạc tập trung, mô hình cần được nhân rộng hơn nữa trong các vụ, các năm tiếp theo. Đề nghị UBND huyện, Trạm Khuyến nông Tĩnh Gia, xã Hải Nhân và các xã có diện tích trồng lạc lớn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên 35 tạ/ha.

 

 Thu Hiền

TTKN Thanh Hóa