Với mục tiêu đưa nhanh các tiến bộ KHKT thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đối với cây ngô ngọt gắn với tiêu thụ sản phẩm và thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân địa phương, vụ Xuân 2018, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai mô hình sản xuất ngô đường tại Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa với quy mô 12 ha, 50 hộ tham gia.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% về giống ngô ngọt Hibrix53, 30% phân bón và hướng dẫn kỹ thuật từ các khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, được tham gia các cuộc hội thảo, tổng kết mô hình.

Đến nay, mô hình này đã cho thu hoạch, năng suất đạt 19 tấn/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, người dân thu lãi trên 55 triệu đồng/ha. Ruộng truyền thống đạt 15 tấn/ha, lợi nhuận gần 40,5 triệu đồng/ha. So sánh giữa hai mô hình cho thấy lợi nhuận của mô hình sản xuất thâm canh cho lãi cao hơn ruộng truyền thống của bà con 15 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 21%.

Kiểm tra mô hình

Giống ngô ngọt Hibrix53 có khả năng thích ứng rộng, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 78 đến 82 ngày, tỷ lệ nảy mầm cao, cây cao cứng khỏe, bộ rễ chân kiềng lan rộng nên khả năng chống đổ tốt nếu gặp mưa bão. Đặc biệt, giống ngô Hibrix 53 bắp to, có thể đạt 2 bắp trên cây, tỷ lệ hạt trên bắp đạt 84%, hạt có màu trắng, kháng sâu bệnh tốt, dễ thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và khí hậu của địa phương. Bộ lá xanh đậm bền cho tới khi thu hoạch, thân lá sau khi thu hoạch thích hợp sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò. Đặc biệt Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của mô hình.

Mô hình sản xuất ngô ngọt đã thành công góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng hệ số sử dụng đất, tạo ra sản phẩm hàng hoá nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường ở địa phương.

Đặc biệt hơn, mô hình sản xuất ngô ngọt gắn với tiêu thụ sản phẩm đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc tiếp cận cách làm mới, giúp nông dân hiểu rõ hơn ứng dụng các thành tựu KHKT mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó tạo động lực xây dựng vùng thâm canh ngô ngọt tập trung, an toàn, mang tính hàng hóa hướng tới xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất ngô ngọt gắn với tiêu thụ sản phẩm, óp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định an ninh lương thực và xây dựng Nông thôn mới.

Thu Hiền

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa