Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau cho thu nhập cao, phù hợp với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xu thế phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, được nhiều bà con quan tâm và nhân rộng. Một số mô hình như mô hình trồng rau ăn quả (bầu, bí xanh, dưa leo, khổ qua,...), rau ăn lá (rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau xà lách,…) theo quy trình VietGAP, được sản xuất theo hình thức cá thể hay liên kết nhóm sản xuất tạo nên cánh đồng rau an toàn tại các xã ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố.

Mô hình trồng rau ăn lá theo quy trình VietGAP tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi

Sản xuất rau theo quy trình VietGAP, người sản xuất sẽ biết cách sử dụng phân bón hợp lý, phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây trồng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm trong danh mục cho phép và tuân thủ theo quy tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV; tăng cường sử dụng thuốc sinh học; thu hoạch đúng thời điểm cách ly và không để sản phẩm thu hoạch tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thu gom các bao bì đựng phân bón hóa học, thuốc BVTV đúng nơi quy định; ghi chép nhật ký đồng ruộng, lưu trữ hồ sơ để thuận tiện cho việc theo dõi và có thể truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm,… Với phương thức sản xuất này, sản phẩm luôn đảm bảo được ký kết tiêu thụ ổn định tại các hợp tác xã, siêu thị như Metro, Coop-mart,...

Điển hình như hộ anh Phạm Văn Ghé tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - hộ thực hiện mô hình khuyến nông “Sản xuất rau ăn quả theo quy trình VietGAP”. Với 3.000m2 diện tích trồng khổ qua, năng suất bình quân đạt 10.500 kg/3.000m2/vụ, mỗi năm thu hoạch 4 vụ, hiện giá bán ổn định tại HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức là 7.500 đồng/kg, gia đình anh thu lợi nhuận gần 100 triệu/năm.

Hay như hộ Nguyễn Văn Nhân tại số 330/81 tổ 8, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, với 1 ha diện tích trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP, mỗi năm thu được 10 lứa, khoảng 20 tấn/ha/lứa, giá bán cho HTX Nông nghiệp TM-DV Phú Lộc bình quân 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc,...), lợi nhuận thu được khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy, việc sản xuất rau theo quy trình VietGAP đã đem lại nhiều lợi ích rõ rệt. Từ những mô hình này đã giúp chủ động được nguồn sản phẩm có chất lượng đưa ra thị trường, người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần thiết thực vào việc thực hiện tiêu chí tăng thu nhập cho nông dân tại các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Liễu Kiều

Trung tâm Khuyến nông TPHCM