Hiện nay, diện tích nuôi tôm - lúa của tỉnh tập trung tại xã Phú Tân (511,5 ha) và Phú Đông (40 ha) thuộc huyện Tân Phú Đông với tổng diện tích là 554,5 ha, chiếm 27% diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hầu hết các hộ đúc kết kinh nghiệm sản xuất từ các hộ nông dân khác, qua các phương tiện truyền thông, các lớp tập huấn kỹ thuật của cơ quan chức năng và tài liệu khuyến nông. Diện tích trung bình của các hộ nuôi tôm - lúa là 0,5 - 2,3 ha, trong đó diện tích trảng chiếm 85,7% và phần còn lại là mương chứa (chủ yếu là dạng mương bao xung quanh) chiếm 14,3%.

Hiện nay, hầu hết các hộ không có hệ thống ao lắng mà nguồn nước cấp vào ao chủ yếu lấy trực tiếp từ các kênh rạch và phụ thuộc vào thủy triều. Các hộ nuôi áp dụng biện pháp thay nước nhằm tạo điều kiện để tôm nuôi phát triển với tần suất thay nước theo mỗi con nước với tỷ lệ thay nước 10 - 15% lượng nước trong ao. Nguồn thức ăn sử dụng cho mô hình nuôi tôm - lúa chủ yếu là nguồn thức ăn tự nhiên, chỉ một số ít hộ nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi tôm.

Trong mô hình tôm - lúa, nông dân nuôi 01 vụ tôm với mật độ thả giống bình quân từ 3 - 7 con/m2, thời gian nuôi 90 - 180 ngày, năng suất trung bình từ 0,3 - 0,5 tấn/ha. Bên cạnh đó nông dân còn trồng 01 vụ lúa với năng suất khoảng 3,5 - 5,1 tấn/ha. Theo chiết tính của nông dân, tổng doanh thu từ mô hình nuôi tôm - lúa là 61 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 11 triệu đồng/ha/vụ thì người sản xuất theo mô hình tôm – lúa có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ.

Tại Hội Nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm –lúa tại ĐBSCL tổ chức tại Kiên Giang vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám kết luận: Phương thức nuôi tôm sú - lúa xuất hiện tại ĐBSCL khá sớm, rõ nét nhất từ năm 2000. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích nuôi tôm sú - lúa tại vùng ĐBSCL ước đạt gần 160.000 ha. Trên 01 ha canh tác, với phương thức quảng canh thu được ngoài sản lượng lúa còn thu được thêm 300 - 600 kg tôm sú và một số loại thủy sản khác như cua, cá… đạt giá trị 100 - 120 triệu đồng, nếu quảng canh cải tiến có thể đạt trên 500 kg tôm lúa. Đây là phương thức canh tác không chỉ đạt hiệu quả kinh tế mà con là phương thức canh tác bền vững trên vùng đất xâm nhập mặn và có ý nghĩa nhiều mặt. Tôm sú là mặt hàng có thị trường khá ổn định và có nhiều lợi thế cạnh tranh. Với diện tích tiềm năng vùng ĐBSCL có thể phát triển lên 250.000 ha đến năm 2030, với giá trị có thể đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 01 triệu lao động nông dân, là một hướng phát triển cần được khuyến khích và tập trung chỉ đạo.

Thành Công