Phước Lập là xã có diện tích khá lớn của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, trong đó chủ yếu là diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài các cây trồng chủ lực như lúa và cây ăn trái thì cây màu luân canh dưới chân ruộng như cây dưa hấu, bầu, bí, mướp,... cũng chiếm diện tích khá nhiều. Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trên dưa hấu đó chính là bệnh “nứt thân – chảy nhựa” mà bà con nông dân thường gọi là bệnh “bã trầu”. Với bệnh này, nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử, thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển. Bệnh có thể gây hại trên cả lá và thân. Bệnh lây lan nhanh làm héo dây hay héo nhánh, từ đó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và kinh tế.

Vụ hè thu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Phước tiến hành thực hiện mô hình quản lý bệnh nứt thân – chảy nhựa trên cây dưa hấu nhằm góp phần tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Tham gia mô hình có 3 hộ dân với tổng diện tích 5 ha, sử dụng giống dưa hấu Đại Phú. Các hộ tham gia được hỗ trợ kinh phí không hoàn lại 26.027.500 đồng; được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Mỗi tuần cán bộ kỹ thuật lấy chỉ tiêu theo dõi đánh giá cùng nông dân tham gia mô hình về số dây, chiều dài dây, sức sinh trưởng dưa hấu và tỉ lệ nhiễm bệnh chảy nhựa thân theo chỉ tiêu cấp bệnh.

Cụ thể các kỹ thuật mô hình thực hiện gồm:

- Xử lý đất (7 ngày) trước khi trồng bằng vôi bột với lượng 500 kg/ha và 7 ngày sau tiến hành bón phân lót gồm: phân hữu cơ 1.200 kg, lân 400 kg/ha.

- Gieo hạt: khoảng cách trồng giữa 2 cây trung bình là 35cm.

- Chăm sóc: làm cỏ, tưới nước, sửa dây, tỉa nhánh, thụ phấn bổ sung, tuyển trái, kê trái.

Khi phát hiện bệnh nứt than – chảy mủ, tiến hành lấy chỉ tiêu tỉ lệ bệnh và chỉ số bệnh trước phun, sau đó phun thuốc trừ bệnh bằng thuốc Score 250EC với liều lượng 15ml/25l nước + Ridomil Gold 68WG với liều lượng 50g/20l nước... Sau 3 ngày tiến hành phun lặp lại lần 2 cùng loại thuốc và liều lượng như lần 1, đồng thời lấy số liệu sau phun lần 2. Sau 7 ngày tiến hành phun lặp lại lần 3 với thuốc và liều lượng như lần 2 và lấy số liệu sau phun lần 3. Sau phun 14 ngày lấy số liệu lần 4.

Sau 55 ngày, mô hình cho thu hoạch với năng suất lần lượt tại mỗi họ là 27 tấn/ha, 29 tấn/ha, 30 tấn/ha.

Tổng chi phí của mô hình 130.990.000 đồng, cho các khâu giống, làm đất chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Nếu năng suất trung bình là 28,6 tấn/ha, giá bán 8.600 đồng/kg, tổng thu: 245.960.000đồng, lãi 114.970.000đồng. Nếu so với ngoài mô hình thì tiết kiệm được chi phí đầu tư hơn, do vậy lãi cũng tăng cao hơn.

Thu hoạch dưa hấu

 

Trong thời gian thực hiện mô hình, mưa nhiều, lượng mưa lớn, sau đó nắng gắt xuất hiện làm ẩm độ không khí tăng cao, là điều kiện thuận lợi để bệnh "nứt thân - chảy nhựa" phát triển, gây khó khăn trong công tác quản lý bệnh hại. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư, xăng dầu tăng cao nhưng mô hình vẫn thực hiện tiết kiệm với kỹ thuật tăng cường phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, thực hiện phun thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng nên đạt hiệu quả cao hơn ruộng trồng dưa hấu xung quanh.

Việc thực hiện mô hình giúp bà con nông dân tiếp cận với quy trình kỹ thuật quản lý bệnh nứt thân - chảy nhựa trên cây dưa hấu mùa mưa, qua đó giúp bà con thay đổi tập quán, thói quen sử dụng phân đạm nhiều, ít sử dụng phân hữu cơ cùng với việc vệ sinh ruộng chưa kỹ, sử dụng thuốc BVTV chưa theo nguyên tắc "4 đúng". Đây cũng là những kỹ thuật quý báu góp phần giúp nông dân trồng dưa áp dụng cho những vụ mùa tới đạt hiệu quả.

Trương Hồng Huy

Trung tâm DVNN Tân Phước, Tiền Giang