Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước và UBND xã Thạnh Mỹ, triển khai thực hiện mô hình “Trồng đậu phộng ứng dụng bón phân hữu cơ”, với quy mô 20 ha, 30 hộ dân tham gia, trồng cây đậu phộng (lạc) giống mới VD1.

Điểm trình diễn mô hình.

 

Cây đậu phộng là cây công nghiệp ngắn ngày, thích hợp với nhiệt độ trung bình 25oC đến 30oC, độ ẩm 70%, thích hợp với phương thức trồng luân canh sau vụ khoai mỡ, có tác dụng cải tạo đất.

Mô hình nhằm đa dạng hóa chủng loại cây trồng, nhân rộng mô hình trồng cây đậu phộng giống mới đạt năng suất cao chống chịu sâu bệnh kết hợp ủ phân hữu cơ từ các phế phẩm trong nông thôn như bả khóm, dây khoai, rơm rạ cỏ dại…bằng chế phẩm compost sinh học, sau đó nông dân sử dụng bón lại cho cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư phân vô cơ, cải tạo đất, góp phần phủ xanh đất trống, hạn chế xói mòn rửa trôi, không gây ô nhiễm môi trường.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đã được áp dụng trong mô hình thông qua cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, triển khai với các nội dung như: cách ủ phân hữu cơ sinh học compost, cách làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu phộng.

 

Sau thời gian triển khai, kết quả, cây sinh trưởng và phát triển tốt thích nghi với vùng đất tại địa phương, cho hạt chắc cao, thu hoạch thời gian 90 ngày, năng suất từ 2,3 - 2,4 tấn tươi/ha. Điển hình có các hộ đạt năng suất đậu phộng cao trong ấp Mỹ Thiện: như hộ anh Nguyễn Văn Phụng, năng suất 2,3 tấn/ha, hộ anh Nguyễn Văn Lãnh, năng suất 2,2 tấn/ha, hộ anh Nguyễn Văn Ngô năng suất 2,2 tấn/ha.

Phần lớn người nông dân trong mô hình thích trồng giống đậu VD1 hột 2 vì tỉ lệ hạt chắc (tỉ lệ lép khoảng 30%) nhiều hơn so giống đậu hột 3. Giống đậu hột 3 nhiễm bệnh nhiều hơn do bản lá đậu hột 3 lớn hơn, nên phải phun thuốc nhiều hơn trong vụ mùa mưa. Theo tính toán, do mô hình được hỗ trợ giống và vật tư phân bón vô cơ nên kinh phí đầu tư thấp, nông dân bán đậu phộng với giá 10.000 đồng/kg, lãi mỗi ha từ 9 đến 10 triệu đồng. Mô hình thuận lợi để cho người dân tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đa dạng hoá cây trồng, đa dạng hoá về sản phẩm, góp phần cải tạo đất.

Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã tổ chức 02 khóa tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đậu phộng cho 60 người là các chủ hộ tham gia mô hình và các hộ tại địa phương có nhu cầu muốn tìm hiểu về kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu phộng. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí của dự án, Trung tâm đã tổ chức 01 lớp đào tạo, tập huấn cho 30 học viên với nội dung: “ Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên cơ cấu sản xuất lúa mùa - lạc tại ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước.

Ngày 18/9/2014 Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước đã hướng dẫn cho 100 nông dân các xã lân cận trong huyện như xã Thạnh Tân, xã Tân Hòa Đông  và xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành đi tham quan mô hình trồng đậu phộng tại ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ thông qua Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả  mô hình tại xã Thạnh Mỹ.

Từ những kiến thức đã được trang bị, nông dân tự trao đổi kinh nghiệm với nhau trong sản xuất tại địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi.

Qua mô hình, phần lớn nông dân chuyển sang luân canh cây đậu phộng. Đến nay, mô hình trồng đậu phộng trên địa bàn huyện Tân Phước đạt trên 70ha, riêng xã Thạnh Mỹ trên 30ha trồng cây đậu phộng.  

Mô hình bước đầu đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân. Đồng thời nâng cao kiến thức về trồng, chăm sóc, thu hoạch, cách ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ.

Cây đậu phộng thực sự là cây tăng thu nhập cho người dân, vừa là cây cải tạo đất đai giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất từ phân hóa học, cho nên trong canh tác bà con cần kết hợp ủ phân hữu cơ từ thân lá cây đậu phộng sau thu hoạch làm nguồn phân bón tốt cho các loại cây trồng trong mùa vụ tiếp theo, nhất là mùa vụ cây khoai mỡ đông xuân 2014 – 2015.

Trương Hồng Huy

Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang