Thông qua chương trình nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên và nông dân nòng cốt có kiến thức cơ bản về sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận và biết áp dụng vào thực tế sản xuất trên vườn cà phê của gia đình, đồng thời phổ biến nhân rộng cho nông dân tại địa phương, góp phần mở rộng diện tích sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Sau 3 năm (2012-2014) triển khai thực hiện, hơn 1.080 học viên đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã được bổ sung thêm kiến thức về về kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê, an toàn vệ sinh lao động và sơ cấp cứu; một trong ba quy trình kỹ thuật thâm canh cà phê bền vững (Bộ Quy tắc 4C, Bộ Nguyên tắc UTZ CERTIFIED, Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho cà phê tại Việt nam). 

Lớp tập huấn tại Thành Phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của CDC đã giảng dạy và hướng dẫn học viên nhiệt tình trong thực hành trực tiếp trên vườn cây như: kỹ thuật ghép cải tạo, cắt cành tạo hình, chuẩn đoán sâu bệnh hại trên vườn cà phê, nhận diện các dạng lỗi cà phê và đưa ra biện pháp phòng tránh đặc biệt dựa trên tính toán thiệt hại từ việc hái cà phê quả xanh. Nội dung bài giảng thiết thực, đã giúp học viên bổ sung kiến thức về sản xuất cà phê bền vững và có cái nhìn thực tế về loại hình canh tác này. Đồng thời, qua tham quan mô hình, đã giúp các học viên thấy được lợi ích và tính bền vững của dự án mang lại cho đời sống người nông dân, sản lượng và chất lượng sản phẩm mang lại khi canh tác cà phê theo hướng bền vững. Kết thúc khóa học 100% học viên được bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, 100% học viên đạt loại khá giỏi. 

Giảng viên hướng dẫn thực hành trực tiếp trên vườn cây. 

Bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng Chuyển giao Khoa học kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Kon Tum cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận chương trình phát triển cà phê bền vững một cách bài bản, chuyên sâu hơn về các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện áp dụng cho cây cà phê. Sau khóa học này, chúng tôi sẽ nhân rộng chương trình này ra toàn tỉnh để bà con vùng sâu vùng xa có cơ hội để tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cà phê, nhằm tăng năng suất, bảo vệ môi trường".

Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc CDC, cho biết: "Tôi rất vui và lấy làm vinh dự vì đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai dự án “Sản xuất cà phê bền vững  tại Tây Nguyên”. Đây cũng là định hướng phát triển của CDC về phổ biến về kiến thức nông nghiệp bền vững, nhân rộng mô hình canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại 5 tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp giúp cho hệ thống khuyến nông và cộng tác viên nâng cao kiến thức về sản xuất cà phê bền vững cũng như nâng cao kỹ năng đào tạo, tuyên truyền phổ biến những kiến thức đã được học đến với bà con nông dân tại địa phương, từ đó hình thành nguồn nhân lực tiểu giảng viên có năng lực về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê theo hướng bền vững. Ngoài ra, thông qua dự án này, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống bài giảng, tài liệu rất hữu ích phục vụ cho việc đào tạo. Mặc dù Dự án đã kết thúc, nhưng với khát vọng “Chung tay hướng đến sự thịnh vượng cho Cộng Đồng”, CDC mong muốn tiếp tục được hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như các cá nhân/tổ chức khác trong các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm nâng cao năng lực, cải thiện cuộc sống cho nông dân trồng cà phê tại Việt Nam”.

 

Nguyễn Thanh Tâm

PGĐ Công ty TNHH MTV Phát triển cộng đồng