Nhằm chuyển giao kiến thức cơ giới hóa, ứng dụng các kỹ thuật sử dụng máy phun thuốc trong trồng rau cho nông dân sản xuất rau ăn lá trên địa bàn thành phố, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình trình diễn cơ giới hóa “Máy phun thuốc trong trồng rau”. Tham gia thực hiện mô hình có 11 hộ dân trên địa bàn xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Theo đó, mô hình đã hỗ trợ 11 loại máy cơ giới hóa gồm các loại: máy phun thuốc Honda Oshima TGX35, bình phun thuốc động cơ điện mang vai hiệu EAGLE EG-18E và bình phun thuốc động cơ mang vai hiệu G-MAX 20 với diện tích sản xuất 3,07 ha.

Thời gian triển khai mô hình từ tháng 12/2019 – 7/2020. Qua ghi nhận ý kiến của nhiều hộ tham gia mô hình cho biết, sử dụng máy phun thuốc giúp giảm giá thành sản xuất rau xuống 14%, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất rau.

Cụ thể với máy phun thuốc Honda Oshima TGX35 có công suất mạnh, áp lực đầu phun lớn, hiệu quả phun cao gấp nhiều lần so với các thiết bị phun binh thường, ít tiêu hao nhiên liệu, ít thải khí và bảo vệ môi trường, tiết kiệm thời gian và nhân lực;

Bình phun thuốc động cơ điện mang vai hiệu EAGLE EG-18E có thời gian tích điện từ 6 - 8 giờ nên tiện lợi sử dụng, đồng thời bình có kích thước gọn, đơn giản phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng;

Bình phun thuốc động cơ mang vai hiệu G-MAX 20 có thao tác khởi động đơn giản và thời gian tích điện của bình cũng từ 6 - 8 giờ nên giúp nông dân sử dụng được trong thời gian dài.

Các hộ dân tham gia mô hình cho biết máy phun thuốc điện cho hiệu quả kinh tế thấp hơn máy phun thuốc động cơ xăng (Honda) không đáng kể nhưng ưu thế của máy động cơ xăng (Honda) là có tuổi thọ cao hơn gấp 4 lần so với động cơ điện và năng suất phun cũng cao hơn nên thường sử dụng cho rau ăn quả, còn máy phun điện thường sử dụng cho rau ăn lá.

Anh Lại Thế Bình (ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) – hộ tham gia mô hình nhận xét, sử dụng máy phun thuốc tiết kiệm được nhiều chi phí như công lao động, tiền điện. Máy gọn nhẹ, dễ dàng sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng. Anh cùng nhiều hộ dân rất mong khuyến nông thành phố nên triển khai nhiều mô hình cơ giới hóa hơn nữa, giúp bà con có điều kiện sản xuất tốt, góp phần nâng cao hiệu quả và thu nhập.

Mô hình trình diễn "Máy phun thuốc trong trồng rau “ tại hộ anh Lại Thế Bình

 

Ông Vũ Hồng Trường – Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông TP.HCM phát biểu, mục đích của mô hình từng bước giúp nông dân nâng cao sản xuất mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với thời kỳ nông nghiệp hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tại TP.HCM nói riêng và thị trường cả nước nói chung. Để thực hiện tốt hơn nữa, các hộ nên nghiên cứu, chọn lọc và áp dụng nhiều máy móc cơ giới hóa phù hợp với mô hình của mình, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, các hộ nên cố gắng hoàn thành tốt thủ tục và điều kiện quy định đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, sẽ tạo động lực để các hộ tiếp tục hăng hái sản xuất, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ngày càng bền vững.

Mô hình đã từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao nhận thức mới của người dân về phát triển mô hình nông nghiệp; Cải thiện đáng kể tình trạng thiếu lao động trên địa bàn nói chung và nông hộ nói riêng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất rau tại địa phương, góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông Tp HCM