Để giải quyết thực trạng thiếu hụt và cải thiện chất lượng thức ăn thô xanh góp phần phát triển đàn bò thịt lai giống ngoại trên địa bàn huyện; Đồng thời, nhằm chuyển giao giống cỏ cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại TP. HCM nói chung và Hóc Môn nói riêng,…; Trung tâm Khuyến nông TP. HCM đã triển khai mô hình đồng cỏ mẫu – cỏ voi xanh với quy mô 1,1 ha do 5 hộ tại 02 xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng thực hiện.

Các hộ tham gia mô hình đều là những hộ giàu kinh nghiệm sản xuất đã và đang canh tác giống cỏ voi, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật khuyến nông về khâu chuẩn bị đất, cách trồng và chăm sóc,… nên kết quả mô hình khá tốt.

Sau thời gian triển khai mô hình (từ tháng 12/2019 – 7/2020), kết quả cho thấy, cỏ có tốc độ sinh trưởng và thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương. Năng suất bình quân đạt 334 tấn/ha/năm, tương đương 27,8 tấn/ha/tháng. Giá thành sản xuất là 628 đồng/kg, giá bán tại ruộng là 800 đồng/kg, như vậy, mỗi tháng với diện tích 01 ha, nông dân có lãi 4,78 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các hộ tham gia mô hình, vụ trồng rơi vào thời điểm nắng gắt kéo dài nên thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như tỷ lệ tái sinh và phục hồi của cây giống. Do vậy, tốn nhiều công chăm sóc và giá thành sản phẩm tăng. Các hộ kiến nghị nên triển khai mô hình vào đầu mùa mưa, tiết kiệm nhiều công lao động, nước và mùa mưa cũng giúp cỏ phát triển tốt hơn.

Trong quá trình thực hiện mô hình, đã có những hộ đã mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để khắc phục những khó khăn trên như hộ anh Đặng Quốc Tiến (83/3 ấp 4, xã Xuân Thới Sơn) đã áp dụng hệ thống tưới tự động nên năng suất và sản lượng cao hơn nhiều so với các hộ còn lại.

Anh Đặng Quốc Tiến đang thu hoạch cỏ từ mô hình

 

Đại diện Phòng kinh tế xã Xuân Thới Thượng đánh giá cao về hiệu quả mô hình, đã giúp các hộ chăn nuôi giải quyết phần thức ăn thô xanh cho đàn bò, vì vậy các hộ nên nhân rộng mô hình. Ngoài ra, ông cũng mong khuyến nông địa phương nên tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc để các hộ có điều kiện tiếp nhận kiến thức, thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông TP. HCM - ông Vũ Hồng Trường, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật cho biết, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí mua thức ăn cho đàn gia súc, góp phần tăng diện tích phủ xanh trên địa bàn. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình, cán bộ kỹ thuật nên hướng dẫn cho người chăn nuôi những kỹ thuật ủ chua thức ăn từ cỏ, giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi, góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ. Đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của người chăn nuôi về việc hỗ trợ các kỹ thuật cơ giới hóa trong chăn nuôi, giúp nông hộ phát triển ngành nghề và thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương ngày càng chuyên sâu hơn.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh