Tận dụng những điều kiện thuận lợi đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình trình diễn nuôi cá thát lát thâm canh tại huyện Củ Chi, với quy mô 0,7 ha/04 hộ, ở các xã Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung An và xã Phước Hiệp.

Mô hình được triển khai từ tháng 9/2019, đến nay qua thời gian 09 tháng, Trung tâm Khuyến nông TP tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình.

Mô hình được áp dụng phương pháp nuôi thâm canh trong ao đất, với kích cỡ con giống từ 8 – 9 cm/con, mật độ 05 con/m2, sử dụng thức ăn công nghiệp (protein 40%). Kết quả, mô hình đạt tỷ lệ sống trung bình được gần 60%, với tốc độ tăng trưởng và khả năng thích nghi tốt. Trọng lượng cá qua thời gian 09 tháng nuôi đạt 500 - 600 gam/con, với chiều dài trung bình từ 34 – 36 cm/con. Tổng sản lượng của mô hình đạt 8.700 kg cá, với giá bán trung bình từ 72.000 – 75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình thu lãi trung bình đạt hơn 110 triệu đồng/0,7 ha/04 hộ.

Thu hoạch cá thát lát trong mô hình

 

Từ kết quả đó, cho thấy mô hình phù hợp với nguồn nước ở địa phương, cho sản lượng cá thát lát thương phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ tham gia mô hình đều nhận xét, nuôi cá thát lát thương phẩm ở Củ Chi phù hợp với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và đây là đối tượng nuôi phù hợp với thị trường, có tiềm năng lớn giúp người dân tận dụng mặt nước để gia tăng thu nhập, nâng cao kinh tế, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi.

Tuy nhiên, qua trao đổi ý kiến của các hộ tham gia mô hình cho biết, giai đoạn đầu nhận giống về do cá có tỷ lệ phân đàn cao, nên khi cho ăn, cá ăn không đều, lượng thức ăn bị hao hụt; Đồng thời, trong quá trình giao giống, cá đựng trong can nhựa nên khi đổ xuống ao, cá bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá. Vì vậy, các hộ kiến nghị, khi giao giống nên đựng cá trong bao, nông dân sẽ cho bao ngâm nước với thời gian 10 – 15 phút sau mới thả cá, sẽ giúp cá ít bị sốc nhiệt, giảm tỷ lệ hao hụt, giúp quá trình nuôi thuận lợi hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các hộ luôn sâu sát mô hình, nên ngoài những kỹ thuật cơ bản do cán bộ kỹ thuật Khuyến nông hỗ trợ và tư vấn, mỗi hộ còn có phương pháp nuôi phù hợp để hiệu quả mô hình đạt ngày càng cao. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Hậu cho biết thời gian đầu mới thả giống, cá còn nhỏ, nhưng cám viên do Khuyến nông hỗ trợ có kích thước lớn, cá không ăn được nhiều, nên anh đã xay cám ra thật nhỏ để cá ăn hiệu quả hơn. Còn hộ ông Phạm Như Lân có cách khác là đem ngâm cám tơi ra rồi rải cho cá ăn,…

Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TP.HCM ghi nhận những ý kiến đề xuất của nông dân và sẽ rút kinh nghiệm cho những mô hình triển khai ở những năm tiếp theo. Theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ, mô hình năm nay so với những năm trước đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Sự thành công đó là do các hộ lắng nghe kỹ những vấn đề do cán bộ kỹ thuật tư vấn, hướng dẫn, đồng thời do các hộ chú tâm chăm sóc và theo dõi sâu sát mô hình một cách chu đáo và chỉnh chu. Các hộ nên phát huy cao hơn nữa để mô hình ngày càng hiệu quả hơn và có sự lan tỏa cao, giúp nông dân có nhu cầu thực hiện và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thực hiện tốt chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh