Mô hình được thực hiện với nguồn cua giống từ tỉnh Cà Mau, giống có kích cỡ 01 cm trở lên, mật độ nuôi trong ao 1,5 con/m2, thời gian nuôi 150 ngày. Thức ăn cho cua là thức ăn công nghiệp, loại sử dụng cho tôm sú có hàm lượng đạm > 35%, sử dụng thức ăn này giúp cua tăng trưởng tốt và hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, vào tháng nuôi thứ 2 trở đi, các hộ sử dụng thêm thức ăn cá tạp để giảm chi phí nuôi.

Kết quả, sau 5 tháng nuôi, cua có tỷ lệ sống đạt 30% do thời gian thả nuôi gặp mưa nhiều, làm độ mặn xuống thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cua. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, không xuất hiện bệnh nên cua đạt kích cỡ thương phẩm, trung bình đạt 250- 300 gram/con.

Sau 5 tháng nuôi, cua đạt kích cỡ thương phẩm,trung bình đạt 250- 300 gram/con.

Theo 02 hộ tham gia mô hình cho biết: Tuy thời điểm thả giống gặp nhiều cơn mưa lớn, cua giống bị hao hụt, nhưng trong quá trình nuôi áp dụng đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về thời gian thay nước, xử lý nước, bổ sung thức ăn tạp cho cua,… đã giúp cua không bị bệnh, phát triển đều. Đồng thời, cua bán được giá, trung bình 200.000 đồng/kg nên mô hình đạt hiệu quả và có thể nhân rộng tốt cho những đợt nuôi tiếp theo.

Nhận thấy hiệu quả mang lại cho hộ nuôi, chị Lê Thị Hồng Vân (82/4, ấp 2, xã Hiệp Phước) là hộ tiên phong đăng ký tham gia thực hiện mô hình khi Khuyến nông triển khai mô hình trong đợt tới tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện, ông Nguyễn Văn Dẫu phát biểu: “Mô hình đã giúp hộ nuôi đạt hiệu quả, góp phần cung cấp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi cho bà con nông dân trong điều kiện nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Nhưng để tiếp tục giúp nông dân đa dạng hóa hơn nữa với nhiều đối tượng nuôi thủy sản, Khuyến nông Thành phố nên cập nhật và áp dụng thêm nhiều mô hình mới, giúp nâng cao kỹ thuật cũng như hiệu quả mô hình, như mô hình nuôi cua trong hệ thống tuần hoàn (là hệ thống crab house - CH) được thiết kế các hộp riêng cho mỗi cá thể, với hệ thống cấp thoát nước liên tục đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cua, hạn chế được sự ăn lẫn nhau của cua. Hệ thống cho phép người nuôi theo dõi tỷ lệ sống và tăng trưởng của từng cá thể, hiệu quả hơn trong việc cho ăn và sử dụng thức ăn, giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của mô hình nuôi.

Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM ghi nhận ý kiến của đại diện Phòng Kinh tế huyện cũng như của nông dân đã đề xuất ý kiến thay đổi thời gian triển khai mô hình (khoảng tháng 1 - 3 dương lịch) sẽ đảm bảo thời tiết thuận lợi hơn, tránh mưa nhiều, giúp con giống phát triển tốt, đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ cũng đề nghị hộ tham gia mô hình nên nâng cao mật độ nuôi phù hợp, sẽ tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, với những hộ có ao nuôi lớn, trong thời gian 01 tháng nuôi đầu tiên nên ngăn ao ra để dễ quản lý con giống, sau thời gian đó bắt đầu bổ sung độ đạm cho cua bằng những thức ăn cá tạp, giúp cua phát triển nhanh, đạt chất lượng, góp phần nâng cao mô hình ngày càng hiệu quả hơn.

M.Hiếu

TT Khuyến nông TP.HCM