Trước thực tế đó, việc sử dụng cơ giới hóa cho sản xuất nông nghiệp về hoa - cây kiểng nói chung và trên cây mai nói riêng tại quận 12 là nhu cầu cấp thiết, giúp nông dân phát triển ngành nghề. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình cơ giới hóa máy phun thuốc trên cây mai, với 20 máy phun thuốc trên diện tích 4,2 ha của 20 hộ dân ở phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc và An Phú Đông, quận 12.

Mô hình trình diễn máy phun thuốc trên cây mai tại hộ anh Lê Chí Hùng, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, Tp.HCM

Mô hình áp dụng máy phun thuốc bằng điện, hiệu EAGLE-18E theo công nghệ Nhật Bản và tập trung mục tiêu về kỹ thuật chuyển giao kiến thức cơ giới hóa chăm sóc mai cho các hộ tham gia thực hiện. Nhằm giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công lao động, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm cũng như giảm ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận của các hộ tham gia mô hình, sử dụng máy phun thuốc bằng điện EAGLE-18E thuận tiện trong quá trình sử dụng và bảo quản; tiết kiệm được thời gian, công lao động; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 66% so với bình bơm tay, tiết kiệm hơn 350.000 đồng/ha với mỗi lần phun thuốc, qua đó giảm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Mỗi tháng bình quân phun 3 lần, nếu tính cả năm có 36 lần phun, tiết kiệm khoảng 12,6 triệu đồng/năm so với phun thuốc thủ công. Ngoài ra, mỗi lần phun giảm được 02 công lao động, với chi phí khoảng 400.000 đồng.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm như trên, máy vẫn có những nhược điểm về mặt kỹ thuật như chốt cần và van vặn không đều, chốt khóa dễ gãy,… vì vậy bà con mong Khuyến nông cùng nhà cung cấp khắc phục, để hiệu quả của máy phun thuốc mang lại ngày càng cao và thiết thực hơn với nông dân.

Bà Đặng Thị Nha, Trưởng phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận ý kiến của các hộ tham gia mô hình và khẳng định: Mô hình cơ giới hóa máy phun thuốc trên cây mai đã đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp các nhà vườn giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời, cải thiện vấn đề thiết hụt lao động nông nghiệp, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận 12. Thời gian tới, Khuyến nông sẽ cố gắng điều chỉnh kinh phí để xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa cần thiết cho vườn mai, đặc biệt là hệ thống nhà lưới.

M.Hiếu

TT Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh