Tỉnh Trà Vinh có diện tích gieo trồng lúa mỗi năm khoảng 220.000 ha, sản lượng đạt trên 01 triệu tấn. Trong những năm qua, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm mục tiêu hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa thông qua việc chọn giống lúa chất lượng, năng suất cao; áp dụng qui trình kỹ thuật tiên tiến; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời, chú trọng cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng thâm canh và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất lúa. Để giúp nông dân sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh xây dựng “Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh chậm tan” tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, với qui mô 8,2 ha/12 hộ. Mô hình đối chứng thực hiện canh tác lúa sử dụng phân bón vô cơ thông thường.

Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, lượng phân bón trong mô hình là 320 kg/ha, thấp hơn so với ruộng đối chứng 370 kg/ha (ruộng đối chứng sử dụng 690 kg/ha). Nông dân tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình hướng dẫn từ khâu làm đất, gieo sạ với mật độ thưa 100 kg/ha, đồng loạt theo lịch khuyến cáo của địa phương, đặc biệt chỉ bón vùi phân một lần ngay từ đầu vụ giảm được chi phí chăm sóc (công bón phân, phun thuốc BVTV, chăm sóc,...), lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế đổ ngã, ít bị sâu bệnh…

Lúa trong mô hình đang trong giai đoạn chín

 

Năng suất lúa trong mô hình đạt 7,0 tấn/ha, ruộng đối chứng năng suất đạt 6,3 tấn/ha. Giá thành sản xuất lúa trong mô hình là 2.443 đồng/kg, ruộng đối chứng là 3.063 đồng/kg. Trong đó, việc giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm. Như vây, lợi nhuận trong mô hình đạt 24.895.000 đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6.390.000 đồng/ha (ruộng đối chứng cho lợi nhuận 18.505.000 đồng/ha).

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình đã hướng dẫn nông dân sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cung cấp ra thị trường được khoảng 60 tấn lúa chất lượng cao. Mô hình cũng giúp tăng cường sự liên kết của các hộ sản xuất, từng bước tiến tới hợp tác sản xuất hàng hóa tập trung, là cơ sở để người nông dân an tâm sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là ành hưởng của hạn, mặn.

Mô hình thực hiện đạt được kết quả cao đây sẽ là mô hình điểm để người nông dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Huỳnh Quãng Sơn

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh