Đây là mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương thực hiện trong 2 năm 2017, 2018. Quy mô thực hiện 50 ha/70 hộ. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí giống theo định mức 50 kg/ha, giống OM 5451 cấp xác nhận; 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời hỗ trợ nhóm hộ tham gia 02 máy cấy lúa, 10 bình phun động cơ với mức hỗ trợ 50% giá trị thiết bị.

Mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác và lựa chọn áp dụng cơ giới hóa phù hợp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường, cụ thể: áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, cơ giới hóa gieo cấy, thu hoạch, sấy, mạ từ 11-12 ngày tuổi đem ra cấy, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước ngập – khô xen kẽ.

Các đại biểu tham quan cánh đồng trình diễn

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã tổ chức hội thảo đánh giá nhân rộng mô hình; có trên 80 đại biểu là các hộ thực hiện mô hình, nông dân các huyện trong tỉnh và đại biểu các ban ngành tham dự.

Tại buổi hội thảo, qua báo cáo kết quả mô hình cho thấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, không có hiện tượng đổ ngã, tỷ lệ chồi hữu hiệu và tỷ lệ hạt chắc/bông cao, năng suất lúa của mô hình trình diễn đạt 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/ha, so với đối chứng lợi nhuận chỉ đạt 13,3 triệu đồng/ha; lợi nhuận từ dịch vụ cấy khoảng 2 triệu đồng/ha. 

Các đại biểu tham dự đều đánh giá rất cao về hiệu quả của mô hình, các hộ dân sẽ áp dụng vào sản xuất trong các vụ tiếp theo và tuyên truyền cho các hộ trong vùng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa gạo để tiêu thụ toàn bộ sản lượng của mô hình nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. 

             Trương Văn Thương

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh