Từ thực tiễn trên, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và những giải pháp đối phó với hạn, mặn bằng cách sử dụng các giống lúa ngắn ngày chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi đã được đề xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng chịu mặn, hạn được triển khai, trong đó giống lúa ST24 là một trong những ứng cử viên sáng giá cho các vùng đất nhiễm phèn, mặn do tính thích nghi cao và ngắn ngày.

ST24 là giống lúa thơm cao sản, gạo ngon thuộc hàng thượng đẳng trên thế giới mà còn thích ứng điều kiện mặn và phèn, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày trong vụ Đông Xuân và 100-105 ngày trong vụ Hè Thu, chiều cao cây 105-110 cm, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Chiều cao cây trung bình, đẻ nhánh trung bình, lá đòng đứng dài, bông dài 26,8cm, bông to, nhiều gié phụ, hạt đóng khít, gạo trắng, trong, dài và thon; hàm lượng amylose 16-18% thuộc nhóm gạo dẻo, mềm cơm, độ trở hồ thấp (cấp 6-7), đặc biệt mùi thơm cấp 2. Trong canh tác tự nhiên dịch hại rất nhẹ, có thể canh tác trong vụ Đông Xuân và Hè Thu ở vùng đất nhiễm mặn đã được ngọt hóa, đất cận giồng cát, đất sản xuất 2 vụ lúa trong năm có ảnh hưởng lũ nhẹ và vùng luân canh lúa - tôm nước lợ ở một số tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Giống lúa ST24 là một trong những ứng cử viên sáng giá cho các vùng đất nhiễm phèn, mặn

 

Đây là giống có tính ổn định cao trong canh tác, khả năng thích nghi rộng ở nhiều vùng miền, nhất là thích nghi trong điều kiện vùng đất mặn ven biển. Tính chống chịu kháng đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông tốt. Một yếu tố quan trọng giúp nông dân đảm bảo phẩm chất hạt gạo đạt điều kiện an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì không cần phun thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn lúa trổ và cong trái me.

Theo nhóm tác giả chọn tạo giống lúa, ST24 là kết quả đạt được trong mục đích rút ngắn chu kỳ sinh trưởng trong vụ ĐX dưới 100 ngày. Đáp ứng trong thời gian nước ngọt trên ruộng ngắn để dự phòng thời tiết thay đổi theo chu kỳ ngắn, tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và tránh rủi ro hạn, mặn trong sản xuất.

Do đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Gò Công, Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ tỉnh Tiền Giang thực hiện và xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chịu phèn mặn ST24 kết hợp với mô hình cánh đồng lớn với diện tích 40 ha, thực hiện trên vụ Hè Thu năm 2019 trên đất 2 vụ lúa thuộc ấp Lạc Hòa, xã Bình Đông, thị xã Gò Công. Khi tham gia mô hình bà con nông dân được hỗ trợ 100% về giống lúa (trong mô hình gieo sạ 100 kg /ha) giúp tiết kiệm 50-70 kg giống lúa/ha (so với nông dân sử dụng các giống khác là 150-170 kg /ha), nguồn gốc giống lúa do cơ sở sản xuất giống Hồ Quang cung cấp với giá 17.000 đồng/kg; Nông dân được hỗ trợ 30% vật tự thiết yếu gồm phân urê, phân lân và phân kali; được cán bộ kỹ thuật Trung tâm tập huấn hội thảo 3 lần (tập huấn đầu vụ, tập huấn sâu bệnh giữa vụ và tập huấn cuối vụ); được công ty lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của giống lúa này) bên cánh đồng lúa  ST24 tại khu khảo nghiệm giống lúa

 

Ông Lê Văn Chương, cán bộ phụ trách chính của mô hình trình diễn giống lúa chịu phèn mặn ST24 kết hợp với mô hình cánh đồng lớn có 30 năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn về cây lúa cho biết: “Kết quả thực hiện mô hình thành công ngoài mong đợi. Giống lúa ST24 phù hợp với vùng dất phèn mặn xã Bình Đông nói riêng và trên địa bàn thuộc khu vực khó khăn của thị xã Gò Công nói chung. Kiểu hình lúa ổn định, ngắn ngày, cứng cây, tính chống chịu sâu bệnh và phèn mặn cao hơn 1 số giống nông dân sử dụng. Năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá bán 7.000 - 7.100 đồng/kg, cao hơn các giống lúa khác. Sâu bệnh ở mật số thấp không ảnh hưởng đến phát triển và sinh trưởng của lúa. Trừ các khoản chi phí phân thuốc, BVTV, nhân công, cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch, vận chuyển, nông dân thu lời được từ 18-25 triệu/ha bước đầu mang lại sự phấn khởi cho bà con nông dân. Khuyến cáo tiếp tục sử dụng và nhân rộng để thay đổi cơ cấu cây trồng cho những vùng đất nhiễm phèn mặn trên địa bàn thị xã Gò Công và tỉnh Tiền Giang”.

Dương Phát Thịnh

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang