Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông trên cơ sở phát triển chuỗi liên kết giữa người nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, vụ đông năm 2020, mô hình liên kết trồng dưa chuột được Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phối hợp với hệ thống khuyến nông của tỉnh đưa vào trồng tại các xã: Văn Phú, Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Thượng Ấm, Tú Thịnh, Tân Trào, Trung Yên, Đông Thọ (Sơn Dương); Yên Nguyên (Chiêm Hóa) Xuân Vân, Kiến Thiết (Yên Sơn); Năng Khả (Na Hang) và Thổ Bình (Lâm Bình) với diện tích trên 60 ha. Mô hình lựa chọn loại giống dưa  chuột chịu lạnh đem trồng bởi đây là giống dưa dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ từ 35 đến 40 ngày sau khi trồng là cho thu hoạch.

Sau gần 3 tháng triển khai (từ tháng 10 đến tháng 12/2020), mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với năng suất bình quân đạt từ 1,3 tấn đến 2 tấn/sào, ước tổng sản lượng cả vụ đạt từ 2.000 - 3.000 tấn.

Theo đúng hợp đồng cam kết, Hợp tác xã đang đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm quả dưa chuột cho bà con với giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg. HTX cũng cam kết sản phẩm dưa được thu hoạch đến đâu sẽ bao tiêu hết cho bà con đến đấy. Với mức giá này, bình quân mỗi ha dưa chuột sau khi trừ chi phí người trồng sẽ có lãi từ 120 - 130 triệu đồng.

Anh Phan Văn Oanh, khuyến nông phụ trách xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cho biết: “Với năng suất như này chúng tôi dự kiến là thu nhập khoảng 170 triệu/ha mà chỉ trong vòng có hơn 2 tháng (cây dưa chuột từ lúc trồng đến lúc thu hoạch xong chỉ khoảng 60 - 70 ngày). Quả dưa chuột mà chúng tôi trồng cơ bản đã đạt được những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Anh Nguyễn Bách Cường, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, gia đình anh trồng 3 sào dưa chuột, từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi ngày thu hái được khoảng 2,5 tạ dưa. Dưa thu hái xong đến đâu đóng bao và cân ngay tại ruộng cho Hợp tác xã Minh Tâm đến đó với giá bán từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Anh Cường tính toán, mỗi ngày ruộng dưa cho thu đều trên 2 triệu đồng với thời gian thu hoạch 1 tháng sẽ đem về cho gia đình anh vài chục triệu đồng. "Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng loại cây này" – anh Cường nói.

Anh Cường thu hoạch dưa của gia đình

 

Ông Hoàng Đức Tuyền, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) trồng gần 1.000m2 dưa chuột theo mô hình liên kết, được HTX cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Ông phấn khởi cho biết, trồng dưa chuột đơn giản mà rất sai quả, thời sinh sinh trưởng ngắn, ruộng dưa của gia đình dù mới trồng nhưng đã bắt đầu cho thu hoạch, bình quân một ngày hái được trên tạ dưa, với giá bán 8.000 đồng/kg. Như vậy với thời vụ thu hoạch trong khoảng 20 ngày liên tục, ruộng dưa của gia đình ông sẽ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Được biết mô hình liên kết trồng dưa chuột lần đầu tiên được triển khai tại xã Vĩnh Lợi, Văn Phú (Sơn Dương) với diện tích hơn 3 ha. Khi mới triển khai, người dân khá lo lắng bởi đã có nhiều mô hình bị "chết yểu" bởi sau khi hết mô hình với 3 ha dưa cho thu hoạch nếu cứ bán lẻ trên thị trường thì việc ế ẩm cầm chắc trong tay. Tuy nhiên, HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm đứng ra cam kết bao tiêu sản phẩm của mô hình bằng hợp đồng cụ thể nên bà con cũng rất yên tâm.

Từ kết quả mô hình liên kết trồng dưa chuột cho thấy đây là một cách làm hay khi mà cả chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân, đảm bảo sản xuất an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang