Huyện Hàm Yên có 732ha mía nhưng năng suất bình quân chỉ đạt trên 58 tấn/ha. Để phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, từ niên vụ 2017-2018, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình chăm sóc mía lưu gốc sớm, quy mô 16 ha với 14 hộ tham gia tại các xã Bạch Xa, Minh Khương, Yên Phú, Nhân Mục, Thái Sơn, Thái Hòa, Đức Ninh, Bình Xa, Minh Hương. Đây là các điểm để người trồng mía tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất mía nguyên liệu.

Sau khi được cán bộ Trạm Khuyến nông và cán bộ nông vụ nhà máy đường hướng dẫn các hộ chăm sóc mía theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất mía bình quân của mô hình đạt 117 tạ/ha, người trồng mía thu lãi trên 33 triệu đồng/ha. Từ kết quả trên, để nâng cao năng suất, sản lượng mía, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp cùng Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tiếp tục vận động bà con áp dụng thâm canh, chăm sóc mía theo đúng quy trình kỹ thuật. Niên vụ 2018 – 2019, toàn huyện có 13 xã đăng ký thực hiện mô hình với quy mô 146,5 ha mía, 423 hộ trồng mía tham gia.

Ông Vũ Bình Luận, Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết, giống mía được sử dụng trong mô hình là ROC10 và ROC22; các hộ tham gia được cho vay trả chậm vật tư, phân bón đến cuối vụ thu hoạch, được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 35 lớp hiện trường để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho 691 hộ.

Tham quan mô hình chăm sóc mía lưu gốc sớm tại hộ ông Bàn Văn Quý, xã Minh Khương

Trồng mía từ năm 2013, nhưng năng suất mía nhà ông Bàn Văn Quý, thôn Ngòi Họp, xã Minh Khương chưa bao giờ vượt quá 60 tấn/ha. Đầu năm 2017, khi được Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên chọn là 1 trong 3 hộ của xã thực hiện mô hình thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc, năng suất mía nhà ông Quý đã đạt lên 125 tấn/ha, tăng 60 tạ/ha so với chăm sóc truyền thống. Ông nhận thấy rằng khi áp dụng kỹ thuật thâm canh chăm sóc sớm, chiều cao của cây mía cao hơn từ 0,2 - 0,4 m/cây, cây to hơn. Theo ông Quý, mía được Công ty CP Mía đường Sơn Dương thu mua ổn định với giá 900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng để ra được hơn 80 triệu đồng tiền lãi. Với hiệu quả kinh tế rõ rệt, năm 2018 ông tiếp tục tham gia mô hình trồng mía năng suất cao và vận động thêm một số hộ dân trong thôn cùng đăng ký thực hiện.

Chị Đoàn Thị Lịch, thôn 3 Việt Thành, xã Tân Thành cho biết, năm nay chị trồng mới gần 1 ha mía giống ROC22. Trước đây gần 1 ha mía chỉ đạt năng suất được 50 tấn. Muốn tăng thêm thu nhập, gia đình chị phải tìm cách nâng năng suất cây mía lên vì vậy chị quyết định tập trung thâm canh, chăm sóc sớm. Trong qúa trình chăm sóc chị luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật: dặm gốc sớm, bón phân sớm; chú ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhìn vườn mía bắt đầu đến kỳ thu hoạch chị khẳng định, năng suất mía năm nay của gia đình chị chắc chắn đạt trên 80 tấn/ha.

Theo quy hoạch vùng mía nguyên liệu của huyện, năm 2018 toàn huyện trồng và chăm sóc 744,1 ha mía. Nhằm tiếp tục mở rộng mô hình trồng mía năng suất cao, trong những năm tiếp theo huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người trồng mía áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết hợp tác hướng đến phát triển vùng mía nguyên liệu bền vững, thực sự mang lại lợi ích cho người dân./.

Trần Thị Thường

TT Khuyến nông Tuyên Quang