Năm 2017, HTXCNC Tiến Thành đã ký hợp đồng cung ứng hơn 100 con trâu, bò và thức ăn cho bà con nông dân ở các xã Vinh Quang, Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa), xã Minh Hương (huyện Hàm Yên) và xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hình thức này đã giúp người nông dân yên tâm chăn nuôi, tận dụng đất để trồng cỏ và các phế phẩm nông nghiệp như ngọn cây mía, thân và bắp cây ngô để ủ chua dự trữ thức ăn... Chỉ sau 03 tháng nuôi vỗ béo, trừ các khoản đầu tư chi phí, bình quân mỗi con trâu, bò lãi gần 5 triệu đồng.

Anh Chu Văn Thiệp đang chăm sóc đàn bò vỗ béo

Đến thăm mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang, ở xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa), một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện ký hợp đồng liên kết chăn nuôi trâu theo chuỗi. Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Tiến Quang cho biết: Sau khi được tham dự Hội thảo liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học và đi tham quan mô hình nuôi trâu vỗ béo tại tỉnh Hải Dương do HTXCNC Tiến Thành và Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang tổ chức, đơn vị đã vay gần 1,5 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, mua trâu vỗ béo, cám thảo dược sinh học và liên kết trồng hơn 02 ha cỏ Voi, cỏ VA06; ngoài ra còn thu mua 25 - 30 tấn ngọn mía để ủ chua làm thức ăn cho trâu. Vừa qua, sau hơn 2,5 tháng chăn nuôi, HTX đã xuất bán 29 con trâu thịt, trừ hết chi phí còn lãi 150 triệu đồng, trung bình mỗi con lãi 5,2 triệu đồng. Hiện đơn vị đang tiếp tục nuôi trâu thịt vỗ béo lứa thứ 2 với 25 con. 

Cũng giống HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt, ở xã Minh Hương (huyện Hàm Yên) nuôi 38 con bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt. Sau gần 3 tháng chăm sóc tốt, trọng lượng mỗi con bò tăng 80-90 kg, như vậy có thể thu lãi từ 4 - 4,5 triệu đồng/con. Theo anh Chu Văn Thiệp, Giám đốc HTX Tiến Đạt, trong năm 2018, đơn vị sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng gấp đôi số lượng trâu, bò vỗ béo.

Anh Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTXCNC Tiến Thành cho biết, trong năm 2018, HTXCNC Tiến Thành sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tổ chức hội thảo, ký hợp đồng cung ứng con giống và bao tiêu sản phẩm cho tất các các hộ chăn nuôi có nhu cầu tham gia vào chuỗi liên kết. Tuy nhiên, để mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn, đến nay hầu hết bà con nông dân đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Theo ông Oanh, mỗi con trâu, bò mua về để nuôi vỗ béo có giá từ 25 – 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn cũng khá tốn kém. Chuồng nuôi nhốt khoảng 10 con thì cũng cần có từ 30 – 40 triệu đồng, như vậy chăn nuôi trâu, bò cần có nguồn vốn rất lớn. Để chăn nuôi vỗ béo trâu, bò theo chuỗi giá trị trở thành phong trào mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ của nhà nước với chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay phục vụ cho sản xuất./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang