Mô hình cánh đồng lớn mía nguyên liệu tại xã Tân Thịnh được thực hiện trên diện tích 10,5 ha với 57 hộ gia đình tham gia. Để thực hiện tốt mô hình  UBND huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương bố trí máy làm đất, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi kiểm tra trồng, chăm sóc mía đảm bảo năng suất. Mô hình đưa giống mía Roc 22 vào trồng, sử dụng phân bón hữu cơ khoáng của Công ty để bón lót, sử dụng phân Grow more, phân đạm, kali để bón thúc.

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, mía sinh trưởng và phát triển đều. Đối với những diện tích chăm sóc tốt, chiều cao cây mía bình quân đạt 280 cm, đường kính đạt 2,4 cm, mật độ cây đạt 9 cây/m2.

Các đại biểu tham quan mô hình cánh đồng mía lớn tại xã Tân Thịnh

Ông Hà Tiến Đô, thôn Chằm Phay, xã Tân Thịnh tham gia mô hình cho biết, được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn thực hiện đúng quy trình từ khâu trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh tốt nên diện tích mía của gia đình ông đạt được năng suất cao. Với diện tích 0,8 ha, năng suất bình quân đạt trên 100 tấn/ha, với giá thu mua của Công ty là 900 nghìn đồng/tấn gia đình sẽ thu được gần 100 triệu đồng.

Đánh giá những kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, đồng thời, tiếp tục đưa ra các giải pháp và mục tiêu triển khai thực hiện ở các xã trên địa bàn huyện trong những năm tới, lãnh đạo UBND huyện đã ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, UBND xã Tân Thịnh và các hộ tham gia thực hiện mô hình. Mô hình được thực hiện tốt đã giúp các hộ dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục phát triển các mô hình tại các xã, tiến tới đến năm 2020 toàn huyện sẽ đạt được năng suất mía bình quân trên 80 tấn/ha./.   

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang