Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” do Văn phòng chương trình Nông thôn miền núi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận và Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp thực hiện tại 3 xã: xã An Hải (huyện Ninh Phước), xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và xã Phước Thắng (huyện Bác Ái). Sau 2 năm triển khai từ 8/2018 đến nay, dự án đã có những kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tổ chức buổi Hội thảo đầu chuồng tại hộ tham gia dự án tại mỗi xã (mỗi xã tổ chức một hội thảo cho 40 hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình).

Các buổi hội thảo tham quan đầu chuồng nhằm đánh giá những kết quả sơ bộ mà mô hình đã mang lại. Từ đó có cơ sở để các hộ dân nhân rộng mô hình và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của gia đình giúp phát triển kinh tế.

Nông dân tham quan mô hình nuôi bò hướng thịt

 

Kết quả 3 mô hình trong dự án như sau:

Mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (bò cái Brahman), quy mô 30 con bò cái giống đã phối có chửa 19/30 bò cái có chửa, số bê sinh ra: 7 con, khối lượng bê sinh ra bình quân đạt 27 kg/con;

Mô hình nuôi bò lai hướng thịt (bò cái lai Zebu), quy mô  6 bò đực giống, thụ tinh nhân tạo (TTNT) với các giống tinh Brahman, Angus. Đã phối giống trực tiếp được 126/240 con bò cái có chửa, có 9 bê con được sinh ra với khối lượng bình quân 22,5kg/con. Đã thụ tinh nhân tạo (TTNT) có chửa 224 con/260; tỷ lệ phối có chửa lần 1 đạt 86,1%, số bê sinh ra: 33 con, khối lượng sơ sinh bình quân 26kg/con.

Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, quy mô 6 ha. Cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đã cắt lứa 4; ủ được 20,5 tấn thức ăn.

Ngoài ra, dự án đã đào tạo 06 kỹ thuật viên cơ sở có khả năng thực hiện các nội dung của quy trình công nghệ trong dự án; Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho 150 hộ nông dân tham gia dự án.

Như vậy, có thể khẳng định dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” cho kết quả khả quan, được người dân trong và ngoài mô hình ủng hộ. Việc trình diễn mô hình giúp hộ chăn nuôi tận mắt chứng kiến, cũng như trao đổi những ý kiến kinh nghiệm ngay tại chuồng đã tác động rất nhiều đến nhận thức của bà con, từ đó quyết định ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, kinh tế gia đình phát triển./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận