Cây bưởi là loại cây khá nhạy cảm, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác và tốn nhiều công chăm sóc thì mới cho năng suất cao. Ngoài việc đầu tư chăm sóc, nắm vững kỹ thuật, nông dân cần nhận dạng và quản lý được sâu bệnh hại trên cây bưởi thì mới duy trì năng suất ổn định, đảm bảo chất lượng trái và tăng hiệu quả kinh tế cho người canh tác. Tuy nhiên, diễn biến sâu bệnh hại trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận dạng được thiên địch và dịch hại, thường xuyên phun thuốc định kỳ làm giảm mật số thiên địch, tăng chi phí sản xuất và từ đó làm giảm lợi nhuận của nông dân.

Từ những thực trạng nêu trên, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Vĩnh Long phối hợp Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật Vũng Liêm đã xây dựng và thực hiện mô hình “Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi” tại ấp Phước Lý Nhất, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm. Mô hình có quy mô 05 ha, Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí thực hiện, 70% nông dân đóng góp vào (đất đai, cây trồng, công lao động).

Trồng hoa trong vườn bưởi thu hút thiên địch

 

Sau 8 tháng thực hiện, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổng kết mô hình. Việc tham gia mô hình giúp nông dân thấy được mật độ trồng dày sẽ làm tăng áp lực sâu bệnh; Việc cắt tỉa cành, vệ sinh vườn, bón phân cân đối và tránh bón thừa phân đạm cũng giúp hạn chế sâu bệnh bộc phát; Việc khuyến cáo nông dân sử dụng phân hữu cơ cho cây ăn trái nhằm tăng độ tơi xốp của đất, tăng năng suất và chất lượng trái đã được nông dân quan tâm chú ý và thường xuyên bón cho vườn bưởi; Ý thức người nông dân được nâng lên trong các biện pháp phòng trừ dịch hại theo IPM; Nông dân nhận biết các đối tượng gây hại chủ yếu trên bưởi và biết cách quản lý hiệu quả bằng biện pháp canh tác; Nông dân cũng trồng hoa thu hút thiên địch nhằm sử dụng thiên địch làm giảm mật số dịch hại, qua đó giảm được số lần phun thuốc BVTV, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và gia tăng hiệu quả kinh tế trong canh tác bưởi. Ngoài ra, nông dân cũng nâng cao nhận thức về việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV đúng theo quy định để bảo vệ môi trường.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngoài mô hình. Năng suất trong mô hình 16 tấn/ha/năm, ngoài mô hình 14,5 tấn/ha/năm. Lợi nhuận trong mô hình 396.140.000 đồng, còn ngoài mô hình 342.510.000 đồng.

Như vậy, việc thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Lê Dung

Trạm Trồng trọt & BVTV Vũng Liêm, Vĩnh Long