Mô hình được thực hiện với mục tiêu  xây dựng các vùng sản xuất nấm rơm theo hướng tập trung, quy mô lớn, song song với việc đưa công nghệ cao vào quy trình sản xuất, góp phần tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu mục  tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020.

Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long tiếp tục hỗ trợ cho đồng bào dân tộc xã khó khăn ở ấp Ngãi Lộ B, thôn Rôn, xã Trà Côn của huyện Trà Ôn.

Anh Thạch Ma Rin người tham gia mô hình cho biết, trước đây chỉ trồng nấm theo kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng không cao. Năm nay nhờ tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm tại hiện trường do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, năng suất tăng lên rõ rệt.

Ngoài việc trồng nấm rơm theo phương pháp truyền thống là chất giồng, thời gian gần đây nông dân còn tiếp cận với phương pháp sản xuất mới như: trồng nấm rơm trong nhà, trồng nấm rơm cải tiến. Tuy việc áp dụng phương pháp mới vất vả hơn nhưng năng suất cao hơn.

Mô hình trồng nấm rơm cải tiến áp dụng vỉ lót đáy để lượng rơm sát đất không bị hư; rải vôi diệt khuẩn để ngừa nấm dại tấn công; trùm cao su và ống hơi phần rơm ủ để giữ nhiệt độ, ẩm độ, từ đó giúp rơm không bị khô do nắng nóng, không làm bốc hơi và không bị đọng nước ở giữa đống. Mô hình này cũng chỉ sử dụng 1 lần thuốc cho vào mô rơm ở thời điểm cấy meo giống để bổ sung dinh dưỡng cho rơm, vì vậy cho ra sản phẩm nấm sạch hoàn toàn, rất an toàn cho người tiêu dùng.

Sau gần 1 tháng thực hiện, nấm rơm của anh Thạch Ma Rin đã cho thu hoạch  được 375kg/250m mô. Với giá bán 45.000 đồng/kg, anh thu được 16.875.000 đồng, trừ chi phí 4.000.000 đồng, anh còn lãi được gần 13 triệu đồng. Anh Thạch Ma Rin rất phấn khởi vì đây là một số tiền không nhỏ đối với bà con dân tộc nghèo.

Thu hoạch nấm rơm trong mô hình

Trồng nấm rơm đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân như vốn đầu tư không nhiều, thời gian quay vòng ngắn, mỗi đợt trồng chỉ cần 15-20 ngày. Việc trồng nấm rơm còn kéo theo nhiều dịch vụ khác như thu mua, sơ chế nấm, vì thế mà nghề trồng nấm rơm đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho nông dân ở nông thôn. Sản phẩm dư thừa sau khi thu hoạch là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng khác.

Như vậy nếu sử dụng hết nguồn rơm rạ của hàng trăm ha lúa với 2-3 vụ/năm thì sẽ tạo thêm được một khoản thu nhập rất lớn cho nông dân và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Nguyễn Văn Bình

Trạm Khuyến nông Trà Ôn, Vĩnh Long