Để khơi dậy phong trào chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa có kiểm soát, an toàn sinh học và xử lý chất thải thì việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi cho các nông hộ trong tỉnh là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2019”  cho 68 hộ tham gia trong 15 xã trên địa bàn các huyện Trà Ôn, Tam Bình, TX. Bình Minh, Bình Tân với quy mô 68 mô hình. Tổng số lượng dê dự án đã chuyển giao cho hộ dân tham gia mô hình là 408 con. Các giống dê được sử dụng trong dự án là dê lai Bách Thảo, dê lai Boer, trọng lượng dê cái từ 20 kg/con trở lên, dê đực từ 30 kg/con trở lên. Mỗi hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua 06 dê giống trong đó gồm 05 con dê cái, 01 con dê đực và 30% chi phí mua thức ăn (37,8 kg/mô hình); hỗ trợ 100% chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật và theo dõi mô hình.

Anh Trương Hoàng Việt tại ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình cho biết: Năm 2017, anh được xã cử đi học lớp dạy nghề nuôi dê sinh sản an toàn sinh học. Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình này nên anh đã tham gia dự án nuôi dê an toàn sinh học và được dự án hỗ trợ kinh phí 25.170.000 đồng.

Anh nói: “Gia đình chỉ có 2,5 công đất vườn trồng cây ăn trái chưa có thu nhập nên thu nhập chính từ làm thuê. Nay tham gia dự án chăn nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, mỗi năm mỗi nái sinh sản từ 2-3 dê con, tính ra từ tổng đàn 05 con ban đầu đã phát triển lên 8-12 con dê con. Dê con nuôi thêm 5- 6 tháng đạt trọng lượng 30 - 40 kg/con, bán với giá từ 120.000 -160.000 đồng/kg, anh thu được 3,5 - 4 triệu đồng/con. Dê rất dễ chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, phụ thêm một ít thức ăn tinh, cám trộn xác đậu nành cho dê mau lớn. Nuôi dê dễ bán, mỗi khi có việc cần tiền bán dê là có, tính ra mỗi năm cũng thu được 28- 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cám, xác đậu nành, thuốc thú y khoảng 5 triệu/năm, còn lại là phần lời, sau 1 năm là lấy lại vốn”. Hiện tổng đàn dê của gia đình anh có 12 con, trong đó anh thường xuyên duy trì 05 con dê mẹ và 01 con dê giống.

 Mô hình nuôi dê ATSH tại hộ anh Trương Hoàng Việt, ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình

Để mô hình đạt kết quả, Trạm Khuyến nông địa phương đã tổ chức 14 lớp tập huấn với 430 lượt người tham dự về các nội dung kỹ thuật như: giới thiệu các giống dê; cách chọn dê cái để nuôi sinh sản, dê đực làm nọc giống; phối giống cho dê; thiết kế chuồng trại; thức ăn dinh dưỡng cho dê; kỹ thuật trồng các loại cỏ; ủ thức ăn xanh; xử lý phân và nước tiểu; chăm sóc nuôi dưỡng dê các lứa tuổi; phòng và trị các bệnh thường gặp trên dê...; Tổ chức 11 cuộc hội thảo cho 330 người tham dự. Kết quả đã hạn chế được dịch bệnh trong mô hình, tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 97%, trọng lượng dê sơ sinh đạt 1,85 kg/con, số con/lứa 1,75 con. Đến nay, các dê cái trong mô hình đã đẻ được 1.122 dê con.

Từ hiệu quả của mô hình, đến thời điểm tổng kết, mô hình đã thu hút trên 90 hộ chăn nuôi dê trong và ngoài xã đến tham quan và có trên 60 hộ trong khu vực mạnh dạn làm theo. Dự án đã cung cấp ra thị trường ước khoảng 76,5 tấn thịt dê sạch đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời tạo mối liên kết giữa nông dân trong vùng dự án và vùng lân cận để tiêu thụ sản phẩm thịt dê theo hướng bền vững.

Nuôi dê theo hướng an toàn sinh học là mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đánh giá khá hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với những nông hộ ít đất sản xuất, mang lại kinh tế ổn định cho nhiều nông hộ.

                                                                                       Thành Khải

TT Khuyến nông Vĩnh Long