Trước khi thực hiện, nông dân trực tiếp tham gia mô hình được thông báo nội dung triển khai, giới thiệu mục tiêu ý nghĩa của dự án, lợi ích khi tham gia dự án, giống lúa và những loại vật tư hỗ trợ cùng hình thức hỗ trợ,… Ngoài ra, các hộ dân cũng được hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sẽ áp dụng trong mô hình như: 3 giảm 3 tăng, sản xuất lúa theo phương pháp sạ hàng hoặc sạ lan thưa mật độ tối đa 80 kg/ha, quản lý nước theo ngập khô xen kẽ, phòng trừ dịch hại theo IPM, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, ghi chép sổ nhật ký…

Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều áp dụng phương pháp “ngập khô xen kẽ”, chỉ đưa nước vào lúc bón phân từ 3-5 cm vào các giai đoạn: làm đất, trước lúc bón phân 1-2 ngày, lúc lúa làm đòng đến chín sữa; và rút cạn nước đến khi đất răn nứt chân chim thì cung cấp nước trở lại: 14-17 ngày sau khi gieo, từ ngày thứ 30 - 35 , giai đoạn 51 -55 ngày và trước khi thu hoạch 10 – 15 ngày để thúc đẩy quá trình chín và ruộng khô dễ dàng lúc thu hoạch. Việc áp dụng “nông lộ phơi xen kẽ” đã giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã vào cuối vụ, đồng thời rửa trôi được chất độc do rơm rạ bị phân hủy và giúp cho đất được khoáng hóa tốt. Đến thời điểm hiện nay lúa đã bước vào giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trổ nhưng diện tích lúa trong mô hình ít có tình trạng đổ ngã mặc dù vào cuối vụ thường xuyên xuất hiện mưa gió.

Tham quan mô hình giảm lượng giống gieo sạ tại ấp Phú Cường, xã Hiếu Thuận

Ông Lê Hoàng Huân - đại diện nông dân trong mô hình cho biết: Dù chưa thu hoạch nhưng mô hình đã làm tăng lợi nhuận/ha cho người sản xuất, tạo sự liên kết sản xuất và tăng tính tập thể cho người nông dân. Trước mắt số lần phun thuốc giảm 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy giảm ô nhiễm nguồn nước và giảm tác hại đến người trực tiếp sản xuất. Việc sử dụng phân lân trong bón lót đã tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây trồng phát triển khỏe, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây và hạn chế tình hình sâu bệnh hại. Do đó, giảm sử dụng thuốc BVTV đã góp phần cải thiện được chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất nông nghiệp. Suốt thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa ít thấy các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện, lá lúa cứng, nhánh khỏe, thân cây mập, bộ rễ lúa khỏe hơn, đồng thời nền đất ruộng cũng tơi xốp hơn, thời gian xanh kéo dài hơn.

Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc BVTV, giảm phân bón góp phần bảo vệ môi trường. Dự án đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng OM5451 cấp xác nhận, đạt chất lượng và các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, trang bị kiến thức sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững giúp người dân ứng dụng vào sản xuất ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nhiều bà con cam kết: “Khi mô hình kết thúc, chúng tôi sẽ tiếp tục sạ thưa 80 kg/ha và có thể còn giảm lượng giống sạ xuống nữa”.

Thanh Thủy

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long