Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên nên có nhiều lợi thế trong chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc của tỉnh vẫn còn phát triển chậm, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhiều trang trại chăn nuôi lớn; thức ăn chủ yếu là tận dụng cỏ tự nhiên và sản phẩm phụ trong nông nghiệp. Do vậy chất lượng đàn bò thương phẩm sau khi loại thải không cao dẫn đến giá trị thu nhập của các hộ chăn nuôi còn thấp.

Các hộ tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt; được hỗ trợ 50% thuốc thú y (để tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, sán lá gan); hỗ trợ 50% lượng thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm 16% (135 kg/con). Các hộ cũng được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình, ghi chép đầy đủ số liệu theo dõi để đánh giá khả năng tăng trọng của bò trong từng khung trọng lượng/tháng.

Các hộ tham gia mô hình được cấp thuốc thú y

Đến nay mô hình đã mang lại những kết quả theo đúng yêu cầu mục tiêu của mô hình như: 100% các hộ tham gia đã biết áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt vào chăn nuôi; Chuồng trại luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng theo đúng định kỳ, chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật; Khi đưa bò vào vỗ béo các hộ đã chủ động tẩy giun, sán trước 7 – 10 ngày mới cho ăn thức ăn hỗn hợp để đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho bò sinh trưởng, phát triển.

Khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thấy đàn bò tăng trưởng nhanh. Mô hình tại xã Đại Lịch, bò tăng trọng bình quân đạt 724 g/con/ngày; mô hình tại xã Cát Thịnh bò đạt 730gam/con/ ngày. Đàn bò không bị dịch bệnh nên ngoại hình đẹp, khối lượng thịt xẻ nhiều hơn, giá bán cao. Sau ba tháng vỗ béo lợi nhuận thu được từ 01 con bò sau khi trừ chi phí như thức ăn, thuốc thú y (chưa tính công lao động) lãi gần 2 triệu đồng/con, tăng trung bình 12,9% so hộ nuôi nuôi chưa áp dụng quy trình nuôi vỗ béo.

Từ quy mô hỗ trợ ban đầu 205 con với 70 hộ tham gia, sau thời gian triển hai đã nhân rộng thêm 52 con với 22 hộ tham gia. Thông qua mô hình bước đầu đã thay đổi nhận thức của nhân dân vùng khó khăn về hình thành một nghề mới là vỗ béo bò giúp tạo thu nhập ổn định, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững. Mô hình được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cơ sở và các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình đánh giá cao, có khả năng nhân rộng.

Ngô Đăng Sỹ

Trung Tâm Khuyến nông Yên Bái