Những năm gần đây, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh (đặc biệt là bệnh Dich tả lợn Châu Phi), giá cả không ổn định, gây tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh sự bấp bênh của giá cả thị trường lợn lai, lợn ngoại thì thị trường lợn địa phương, lợn bản địa, vẫn phát triển ổn định và là nguồn thu nhập chính của người dân.

Nhằm bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen quý của giống lợn bản địa có giá trị kinh tế cao tại địa phương, hạn chế tình trạng giao phối cận huyết, đồng thời nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi từ đó tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã tham gia thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao”.

Đây là dự án từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang làm chủ nhiệm được triển khai tại một số tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2018 - 2020 thuộc 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái.

Mô hình được thực hiện tại xã Bình Thuận, xã Minh An, huyện Văn Chấn với quy mô 70 con lợn sinh sản (7 lợn đực giống, 63 lợn cái hậu bị). Tham gia mô hình, các hộ dân được cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái tập huấn về chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao với từng chuyên đề như: cách chọn lợn đực giống, chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái chửa hậu bị, chuẩn bị cho lợn nái đẻ  và hộ lý lợn nái đẻ… Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ 100% thuốc thú y, vắc-xin (dịch tả lợn, đóng dấu lợn, phó thương hàn lợn, tai xanh…) và được hỗ trợ 100% lượng thức ăn hỗn hợp.

Ông Hoàng Văn Hùng ở thôn Chiềng, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Tham gia mô hình nhà tôi được hỗ trợ 9 con lợn nái và 1 con lợn đực giống. Đến nay, 9 lợn nái đã được phối giống và đẻ lứa đầu tiên, tính trung bình 6 con/nái. Trước đây gia đình tôi đã nuôi lợn Mán vì đây là giống lợn có khả năng thích nghi tốt, kháng bệnh cao, lại nuôi con khéo, chất lượng thịt thì thơm ngon, dễ bán. Nhưng gia đình tôi chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi,cộng với việc lợn đực giống được dùng phối qua nhiều đời nái nên hiệu quả kinh tế không cao, tỷ lệ thụ thai thấp, con còi cọc, chậm lớn”.

Ông Triệu Đức Quý - Chủ tịch UBND xã Minh An cho biết: Việc triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn tại phương đã phần nào thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn xã trong chăn nuôi. Các hộ đã quan tâm chú trọng đến việc chăm sóc cũng như thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong khi nhiều hộ nuôi các giống lợn ngoại có năng suất cao lao đao vì bị tư thương ép giá do ảnh hưởng của dịch bệnh thì những hộ chăn nuôi lợn địa phương vẫn bán được giá với mức giá giao động từ 130 – 150 nghìn/kg thịt lợn hơi.

Tham quan mô hình chăn nuôi lợn mán an toàn sinh học  tại xã Bình Thuận, xã Minh An, huyện Văn Chấn

 

Trên cơ sở kết quả đạt được ban đầu của mô hình, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (Lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái là rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, dự kiến mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, có khả năng nhân rộng ra các địa bàn khác.

Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi lợn bản địa thành một nghề chăn nuôi hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao, bền vững thì cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của mô hình chăn nuôi lợn bản địa (lợn mán) với các doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn… để bảo đảm bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm./.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái