Một trong những hoạt động đó là việc ứng dụng các giống cây trồng mới vào xản xuất. Theo đó, từ vụ đông xuân 2015 - 2016, UBND huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt thực hiện mô hình trồng lúa mì tại các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và mô hình trồng khoai tây tại xã Nậm Khắt, Chế Cu Nha; phối hợp với Công ty cổ phần Thịnh Đạt xây dựng mô hình trồng cải dầu tại xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha. Cả 3 mô hình đã cho những kết quả khả quan, khả năng thích nghi của 3 giống cây trên với điều kiện tự nhiên tại các xã của huyện Mù Cang Chải, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng cao.

Với kết quả ban đầu, vụ đông xuân năm 2016 - 2017, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các doanh nghiệp nhân rộng 3 mô hình tại các xã khác trên địa bàn huyện, liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các cây trồng cải dầu, lúa mì và khoai tây.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, phòng Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất, chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các đơn vị chuyên môn cùng khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tham gia mô hình, tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ từ khâu làm đất, gieo trồng, đến khâu thu hoạch.

Mô hình trồng cây cải dầu được triển khai với kế hoạch gieo trồng 500 ha, triển khai tại 12 xã của huyện. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng chỉ đạt 424,7/500 ha (đạt 82,2% KH), năng suất trung bình đạt 14,15 tạ/ha. Những diện tích cải dầu trồng đúng thời vụ, được người dân chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật cho năng suất đạt 20 - 26,6 tạ/ha, thu nhập từ 30 - 45 triệu đồng/ha. Ngoài sản phẩm chính là hạt cải, trồng cải dầu còn tạo cảnh quan phục vụ cho mục đích du lịch. Trong mùa hoa cải nở (tháng 2/2017), mỗi ngày thu hút từ 300 - 500 lượt khách du lịch đến tham quan, giúp người dân tăng thêm thu nhập do cho thuê điểm chụp ảnh. Ngoài ra bã của hạt cải dầu kết hợp với một số loại phụ gia có thể sản suất phân bón hoặc thức ăn gia súc.

Cây lúa mì được triển khai thực hiện với diện tích 20 ha. Mô hình được bố trí tại các chân ruộng cấy lúa 1 vụ và chủ động nước tưới tiêu trên địa bàn 3 xã: Nậm Khắt (4 ha); Púng Luông (8 ha); La Pán Tẩn (8 ha). Từ thực tế cho thấy, với những diện tích cây lúa mì sinh trưởng và phát triển tốt thì năng suất đạt từ 40 - 42 tạ/ha, cho thu nhập từ 24 - 25 triệu đồng/ha. Thêm vào đó, thân của cây lúa mì kết hợp với chế phẩm sinh học có thể làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Hạt lúa mì chế biến chưng cất thành rượu lúa mì bán từ 50 - 60 nghìn đồng/lít.

Đoàn công tác Sở NN&PTNT Yên Bái kiểm tra, đánh giá mô hình lúa mì tại xã Púng Luông 


Mô hình khoai tây được triển khai với quy mô 14 ha tại các xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Thị trấn, Kim Nọi, Khao Mang. Mô hình được bố trí trên chân ruộng đất cát pha cấy một vụ lúa và chủ động nước tưới. Với những diện tích được người dân chăm sóc tốt năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ ha, như hộ ông Nông Văn Phích đạt 25 tấn/ha, hộ ông  Lò Văn Sáu đạt 24 tấn/ha, đem lại thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha.

Qua 2 vụ triển khai, những giống cây trên đã khẳng định được khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên và khí hậu của địa phương. Tuy nhiên một số mô hình năng suất đạt được còn chưa cao do người dân tại bản địa còn chưa chú trọng vào khâu chăm sóc, thu hoạch chưa đúng thời vụ nên ảnh hưởng đến năng suất. Cùng với đó, tập quán canh tác và tư duy sản xuất tự cung tự cấp vẫn còn nặng nề trong nhân dân, chưa có nhận thức đầy đủ về sản xuất hàng hóa, người dân vẫn còn tư tưởng sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình nên phần nào hạn chế đến cung cấp ra thị trường.

Trên thực tế, việc đưa các giống cây trồng vào gieo trồng cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển một cách bền vững, chủ động giải quyết thiết thực các vấn đề về đời sống và đáp ứng nhu cầu của nông dân, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để các mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng cao thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là dự trữ phân hữu cơ để bón lót cho cây trồng. Cần thực hiện tốt hơn nữa khâu liên kết sản xuất đến bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái