Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT Sóc Trăng,  Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, các nhà khoa học thuộc các viện, trường đại học, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các doanh nghiệp, các cơ quan báo, đài, tạp chí trên cả nước, cùng gần 200 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đã có những bước phát triển mạnh, ngoài việc đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nuôi tôm nước lợ còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh trong vùng, đồng thời gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Năm 2014, cả nước có 30 địa phương nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi tôm đến tháng 11/2014 là 678.913 ha (bằng 104% so với cùng kỳ) trong đó diện tích nuôi tôm sú là 584.744 ha, tôm chân trắng 94.169 ha. Sản lượng thu hoạch là 593.261 tấn (bằng 121,2% so với cùng kỳ) trong đó tôm sú là 251.363 tấn, tôm chân trắng 341.898 tấn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như do tác động của yếu tố thời tiết, người nuôi chưa tuân thủ tốt theo quy trình nuôi, chất lượng giống chưa tốt…, đã khiến cho dịch bệnh trên tôm đang diễn biến hết sức phức tạp và gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế cho người nuôi tôm. Tính đến ngày 14/11/2014, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 57.352 ha (chiếm 8,5% diện tích thả nuôi), trong đó tôm sú: 36.129 ha (chiếm 6,2% diện tích nuôi), tôm chân trắng 21.223 ha (chiếm 22,7% diện tích nuôi).

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phạm Khánh Ly - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết: Tình hình dịch bệnh nuôi tôm nước lợ vẫn còn xảy ra liên tục ở nhiều vùng nuôi, trong đó bệnh đốm trắng và gan tụy là chủ yếu. Bên cạnh đó, thể chế chính sách cần thiết cho quy hoạch còn thiếu, nhất là chưa có quy hoạch đầy đủ vùng nuôi tôm nước lợ; người nuôi tôm còn khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu vốn sản xuất, nguồn vay tín dụng còn khó khăn, mức lãi suất cao; cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm nước lợ nhất là hệ thống thủy lợi (cung cấp và tiêu thoát nước) còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, công tác quản lý kiểm soát môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát các dư lượng hóa chất dùng trong nuôi tôm còn thiếu và yếu.

Theo TS. Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng: Việc ghi chép hồ sơ nuôi tôm của người dân còn hạn chế, vì vậy rất khó để áp dụng theo quy phạm VietGAP như: quản lý con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, quản lý ao, chất thải… Do vậy, cần nâng cao nhận thức, phương pháp quản lý của người dân bằng việc thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người nuôi tôm. Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ, nhóm sản xuất cũng hết sức quan trọng, góp phần nâng cao tính cộng đồng trong sản xuất, giúp người dân dễ trao đổi kinh nghiệm, từ đó giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo đề dẫn như: Một số kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển nuôi trồng trong thời gian tới nhằm hạn chế dịch bệnh vùng ĐBSCL; Báo cáo kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại Kiên Giang; Một số kết quả nghiên cứu khoa học về bệnh tôm ở tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL; Tình hình dịch bệnh và giải pháp quản lý hạn chế dịch bệnh trên tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng; Sử dụng thức ăn hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi,…

Nhiều câu hỏi, thắc mắc của bà con nông dân đến từ các tỉnh ĐBSCL xoay quanh các vấn về khâu quản lý môi trường, thả giống và phương pháp phòng trị bệnh trên tôm…đã được các nhà khoa học giải đáp thỏa đáng.

Kết luận Hội thảo, ThS. Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá các câu hỏi chất vấn của người dân rất thẳng thắn và thực tế, các câu trả lời của các chuyên gia đã đáp ứng được yêu cầu của nông dân. Ông Tiêu nhấn mạnh: Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm, cần thực hiện biện pháp phòng bệnh là chính, trong đó tập trung quản lý nuôi theo quy hoạch, tăng cường giám sát vùng nuôi, đặc biệt là quan trắc môi trường đối với những vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm phục vụ chỉ đạo sản xuất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; quản lý giống tốt, sạch bệnh; cải tiến và áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và xử lý nước, chất thải nuôi trồng thủy sản đối với những vùng nuôi trọng điểm, vùng nuôi tập trung.

Về sử dụng các chế phẩm vi sinh: cần hợp lý, linh hoạt, đúng cách, đúng liều lượng. Khuyến cáo người nuôi không lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng bệnh và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. Đồng thời, chỉ sử dụng hóa chất, kháng sinh có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt chú ý đến liều lượng và thời gian ngưng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của nhà chuyên môn, nhà sản xuất.

Về sản xuất: cần nâng cao năng suất, sản lượng các vùng nuôi quảng canh hiện có, trên cơ sở nâng cấp hệ thống thủy lợi, áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi tiên tiến.

Về quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ: cần đảm bảo có hiệu quả và bền vững, đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, để hạn chế tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm giúp cho nghề nuôi tôm của cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tiên tiến theo VietGAP tại Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ Nông nghiệp vùng ĐBSCL.

 


Nguyễn Quảng Bình
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia