Tham gia Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các viện, các trường đại học; các nhà quản lý, các chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Hội Sinh vật cảnh, Tổng hội Nông nghiệp, Hội Giống cây trồng…, các doanh nghiệp và người trồng hoa trong cả nước.

Sản xuất hoa, cây cảnh là một ngành kinh tế mới nhưng có tốc độ tăng trưởng khá mạnh, giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống nhân dân. Những năm qua, Nhà nước và các nhà khoa học đã có những đóng góp nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành, tuy nhiên sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước chưa nhiều, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, điều này dẫn đến năng suất và chất lượng hoa, cây cảnh của Việt Nam chưa cao, sản lượng xuất khẩu còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của ngành.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 22.000 ha hoa, cây cảnh, giá trị sản lượng đạt 450 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 100 triệu USD/năm, việc xây dựng một định hướng nghiên cứu khoa học gắn với sản xuất và xúc tiến thương mại trong bối cảnh hội nhập hiện nay là rất cần thiết.

TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định tầm quan trọng của ngành hoa, cây cảnh trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo ông, Việt Nam là nước có tiềm năng để phát triển như: khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới; nghệ nhân lành nghề; lực lượng lao động... Không nên gộp ngành hoa và cây cảnh vào một vì tuy giống nhau về mục đích nhưng cách thức tổ chức, công nghệ, thị trường... khác nhau, vì thế nên tách ra để có chính sách phát triển phù hợp. Với vai trò khuyến nông, TS. Phan Huy Thông đề cập đến việc phân cấp thị trường: loại bình dân như hoa hồng, hoa cúc..; loại cao cấp như hoa lan, hoa ly... để có thể hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, ví dụ như hình thành nhiều vùng trồng hoa kết hợp với du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm; có chợ hoa chuyên nghiệp; các công nghệ chế biến hoa (hoa khô). Đề xuất Cục Trồng trọt xem xét thay đổi quy trình công nhận các giống hoa được đưa vào sản xuất để có thể nhanh chóng tiếp cận các giống hoa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.  

Với vai trò là chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực hoa, GS.TS. Phạm Quang Thạch khẳng định hiệu quả kinh tế mà ngành hoa mang lại và đề xuất cần có định hướng và quy hoạch cho ngành này: phải có chính sách về vốn đối với nông dân, doanh nghiệp; thúc đẩy hơn nữa về mặt công nghệ để có thể tạo giống và nhân giống ở quy mô lớn, giảm giá thành.

Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều báo cáo, đóng góp ý kiến của Hội Sinh vật cảnh, Hợp tác xã trồng hoa...

Phát biểu tổng kết, TS. Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối đã tổng hợp các ý kiến và đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích phát triển ngành hàng hoa. 

Trần Thị Diệu

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia