Đây là mô hình được thực hiện từ nguồn vốn thu chi ngân sách của huyện, hỗ trợ 100% về giống, thuốc bảo vệ thực vật và 50% phân bón, nên rất thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt được sự giúp đỡ nhiệt tình, chỉ đạo kịp thời của Đảng uỷ - HĐND - UBND xã Phúc Than, sự phối hợp chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật với cán bộ khuyến nông xã trong việc cấp phát giống, vật tư, theo dõi chỉ đạo mô hình.

Bên cạnh đó, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật luôn bám sát địa bàn triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ trong suốt quá trình thực hiện, luôn theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết để có hướng khắc phục kịp thời như: cấp phát giống, phân bón đúng tiến độ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Sau 4 tháng thực hiện, Trạm đã tổ chức hội thảo tổng kết và đánh giá hiệu quả mô hình. Kết quả cho thấy, cây khoai lang sinh trưởng phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương; dây xanh, lá dầy, củ dài, vỏ củ nhẵn màu đỏ, ruột màu vàng, độ bở trung bình, chất lượng khoai thơm ngon; nhiễm nhẹ bệnh đốm lá; năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí (giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật...) là 76.665.000 đồng. Từ kết quả đạt được của mô hình, đông đảo người dân tham gia đồng tình ủng hộ và tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình cả về quy mô, số hộ trên địa bàn.

Ông Điêu Văn Hoan - nông dân tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi tham gia trồng 2.300m2 khoai, thu lãi trên 15 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai trên diện tích đất không sử dụng của gia đình để nâng cao thu nhập”.

Mô hình đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nâng cao hệ số sử dụng đất, thâm canh tăng vụ đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, tạo việc làm lúc nông nhàn, góp phần xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Từ kết quả đạt được của mô hình có thể khẳng định, việc chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ thu đông trên đất bãi hoặc chân ruộng không chủ động nước là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trung tâm Khuyến nông Lai Châu đề nghị UBND xã Phúc Than, các ban ngành đoàn thể và các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình cần tuyên truyền về hiệu quả đạt được tới toàn thể nhân dân để nhân rộng mô hình trên địa bàn những xã có điều kiện tương tự. Đồng thời, cần quy hoạch vùng sản xuất cây vụ thu đông thành vùng tập trung tại những nơi có đủ điều kiện để dễ thực hiện và tổ chức bảo vệ thuận lợi để góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu