Trước đây việc cung ứng giống, phân bón trên toàn huyện do Trạm vật tư nông nghiệp và các cửa hàng tư nhân thực hiện. Tuy nhiên từ năm 2013 Trạm vật tư nông nghiệp huyện đã chuyển đổi sở hữu sang hình thức cổ phần hoá doanh nghiệp nên càng tạo sự cạnh tranh trong việc cung ứng các loại vật tư nông nghiệp trên thị trường hiện nay.

Xuất phát từ tình hình thực tế, tháng 12 năm 2013, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lào Cai đã thí điểm thành lập các điểm giao dịch cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất tại các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên. Trước mắt thành lập 6 điểm cung ứng tại các xã: Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến, Long Phúc, Tân Dương, Thượng Hà nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại xã và khuyến nông viên xã tham gia cung ứng. Gắn cung ứng vật tư đầu vào với tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp tham gia công tác quản lý chất lượng, phục vụ tốt nhất việc cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất.

Trạm Khuyến nông huyện Bảo Yên chỉ đạo các điểm cung ứng vật tư nông nghiệp tuyên truyền và thông báo cho bà con nông dân về thời vụ, cơ cấu giống, đặc tính kỹ thuật, giá cả, tên các đơn vị cung ứng để bà con nông dân có cơ sở lựa chọn. Tổng hợp nhu cầu về giống vật tư phân bón trên địa bàn phụ trách, sau đó liên hệ với các Công ty, cửa hàng, doanh nghiệp có uy tín  để cung ứng cho nhân dân. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên đôn đốc các điểm cung ứng trao đổi cập nhật thông tin hai chiều với người nông dân trong quá trình áp dụng sản xuất nông lâm nghiệp tại cơ sở.

Kết quả trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, 06 điểm giao dịch cung ứng vật tư trên địa bàn huyện Bảo Yên đã tư vấn cho 36.760 lượt hộ dân và tổ chức  được 87 lớp về cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá cả các mặt hàng nông sản… Cung ứng được 4.772 kg giống lúa (gồm các giống: VL20, LC 270, LC 25, LC 212, BT7, HT1, nghi hương, Thiên ưu 8, nếp 97...), giống ngô 1.361 kg (gồm các giống: CP888, NK4300, Bioseed 9698, LVN885...); phân bón 29.675 kg (phân viên nén NK dúi sâu cho lúa nước, phân NPK). Cung ứng được trên 90 triệu đồng tiền thuốc BVTV, chủ yếu là thuốc phòng trừ rầy, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bọ xít... Ngoài ra, các điểm giao dịch còn cung ứng các loại vật tư khác như: túi bầu, thuốc diệt mối, hạt quế giống...

Các điểm tư vấn không những chỉ cung ứng vật tư nông nghiệp mà đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã giúp người dân nắm bắt được và áp dụng vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp, thực hiện sản xuất thâm canh tạo vùng sản xuất hàng hoá. Sử dụng các loại giống, phân đảm bảo chất lượng cho năng suất, sản lượng cao tăng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và cũng từ đó thì chất lượng giống, vật tư, thuốc BVTV trên địa bàn các xã đã được quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế được những rủi do như: Nguồn gốc xuất sứ giống không rõ ràng, giống ngoài cơ cấu, giống quá hạn sử dụng, tiết kiệm thời gian cho bà con nhân dân, giảm chi, phí rủi ro khi sản xuất, quản lý được đầu vào các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho cán bộ phụ trách điểm cung ứng. Thông qua các buổi tư vấn làm thay đổi được ý thức và tập quán của nông dân là sau khi sử dụng xong các loại thuốc BVTV đã biết thu gom vỏ bao, túi đựng để đem đi tiêu huỷ tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bước đầu các điểm cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp này đã tạo được lòng tin của bà con nông dân vì ở đây bà con được tư vấn và cung ứng giống cây trồng, phân bón, vật tư... có chất lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình thành lập thí điểm nên cần nhân rộng ra mỗi xã một điểm cung ứng để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Nguyễn Thị Vân Anh

Trạm Khuyến nông huyện Bảo Yên, Lào Cai