Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 01/4/2014, tổng đàn gia súc của toàn huyện Si Ma Cai là 37.445 con, trong đó: trâu 8.362 con, bò 2.558 con, lợn 26.525 con. Với số lượng gia súc đó, thì hàng năm lượng phân thải ra môi trường là rất lớn.

Với tập quán từ rất lâu đời, người dân thường phơi phân gia súc rồi cất trữ để sử dụng, hoặc đem đốt, lấy tro rồi mới bón cho cây trồng. Vì vậy, rất mất vệ sinh, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe người dân.

Theo khảo sát, bình quân 1 hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phải chi phí cho đầu tư phân vô cơ như lân, đạm... từ 2 - 3 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, việc bón nhiều phân vô cơ sẽ làm tăng tốc độ xói mòn, ngày càng làm thoái hóa đất, chi phí phân bón năm sau sẽ tăng cao hơn năm trước.

Với những nguyên nhân trên, Trạm Khuyến nông huyện Si Ma Cai được UBND huyện huyện Si Ma Cai giao thực hiện mô hình sản xuất phân vi sinh từ phân thải gia súc trên địa bàn 3 xã, 9 thôn bản, với 70 hộ dân tham gia.

Các hộ tham gia mô hình này được Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây hố ủ phân, có mái che thể tích 12m3, hỗ trợ bạt che ủ hố, chế phẩm EMUNIV, phân lân, đạm, ô doa cho nhóm hộ, và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh. Người dân đóng góp phân chuồng, các chất độn như: rơm rạ, tro, trấu cây phân xanh, công lao động, cuốc xẻng.

Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phân thải gia súc của mô hình như sau: Các chất độn cần chặt ngắn cỡ gang tay, phân Supe lân 30 kg. Một gói chế phẩm EMUNIV/200g đủ cho 1 tấn rác và phân chuồng rải thành từng lớp 25 - 30 cm, cho xen 1 lớp phân chuồng. Tưới dung dịch vi sinh vật lên trên mỗi lớp, khống chế độ ẩm 50% (bốc 1 nắm nguyên liệu bóp thật chặt, nếu nước rỉ ra kẽ tay là được, độ ẩm 50%. Nếu nước chảy thành giọt là ướt quá). Lặp lại như vậy cho đến khi hết nguyên liệu, trộn đều hót thành đống cao rồi đậy đống ủ bằng bạt, chèn kín sau 3 ngày kiểm tra nhiệt độ mở ra quan sát thấy đống ủ khô và quá nóng thì tưới thêm nước và đảo trộn lại rồi đậy bạt ủ bình thường. Tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu mà thời gian ủ là 25 - 30 ngày có thể sử dụng được.

Qua buổi tổng kết và đánh giá thực tiễn triển khai mô hình, với cùng một tấn phân hữu cơ nếu chế biến theo cách cũ thì phải mất từ 3 - 5 công lao động, nếu làm theo cách mới ủ bằng phân vi sinh chỉ cần một ngày công lao động. Ngoài ra, ủ phân bằng chế phẩm sinh học còn giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng trong phân hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời tận dụng được nguồn rác thải làm phân và giảm thiểu tối đa mùi hôi của phân, tiện lợi cho quá trình vận chuyển. Nhờ đó, đã từng bước giúp cho môi trường xanh sạch và đời sống sức khỏe nhân dân được đảm bảo.

Việc xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân thải gia súc trên địa bàn 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới là cần thiết và rất thiết thực, giúp cho nông dân thay đổi tập quán phơi và đốt phân gia súc, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại thôn xã, tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh sạch, dễ bảo quản, làm giảm chi phí đầu tư phân bón trong canh tác, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; tăng độ phì nhiêu của đất canh tác, chống xói mòn đất; giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, sử dụng an toàn, bền vững hiệu quả.

                                                                  Ngọc Thủy

                                      Trạm Khuyến nông huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai