Đàn heo nhà ông được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn, nước uống, dịch vụ thú y, ghi chép nhật ký sản xuất trong suốt quá trình chăn nuôi. Cùng với đó, ông thực hiện rất kỹ lưỡng lịch tiêm phòng vắc - xin và sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi theo định kỳ, vệ sinh xung quanh khu vực chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát. Ông cho biết, sau khi học và áp dụng cách thức chăn nuôi theo quy trình GAHP, từ cuối năm 2012 đến nay, lứa heo nào cũng khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi thịt.

Ông Bảy cho biết, nhóm GAHP ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng được hình thành từ cuối năm 2012 với 22 hộ thành viên. Mỗi tháng, các thành viên họp nhóm một lần vào ngày đầu tháng để học tập, trao đổi, hỗ trợ nhau kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ông cho biết thêm: Khi tham gia vào nhóm GAHP, các thành viên được dự án hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, sửa chữa chuồng trại và được cấp một số vật dụng chăn nuôi như: bồn nước, ba-lết kê thức ăn, tủ thuốc thú y, máng ăn, đèn sưởi hồng ngoại, bình phun thuốc sát trùng, ống tiêm, trang phục bảo hộ lao động... Ngoài ra, định kỳ 6 tháng nhân viên dự án LIFSAP thu mẫu và kiểm tra thức ăn ở các hộ chăn nuôi thành viên nhóm và các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ trong xã để thu mẫu máu để xét nghiệm huyết thanh, lấy mẫu nước thải từ các công trình khí sinh học để có các khuyến cáo cho hộ thành viên nhóm các biện pháp điều chỉnh.

Từ những hỗ trợ thiết thực nêu trên, đến năm 2015, nhóm GAHP ấp Bình Hòa đã có 19/22 hộ được cấp giấy chứng nhận GAHP.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Lãng cho biết: Bình Lãng là 1 trong 3 xã trên địa bàn huyện tham gia dự án LIFSAP với 79 hộ tham gia, được chia làm 4 nhóm GAHP, các hộ tham gia nhóm GAHP không chỉ có điều kiện chia sẻ về kỹ thuật mà còn có thể tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Các công ty thức ăn gia súc, thuốc thú y thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng với nhóm nên bà con chăn nuôi có điều kiện thuận lợi hơn khi mua một số vật tư, giúp giảm bớt chi phí. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ một phần chi phí để bà con xây dựng các công trình khí sinh học, hầm ủ phân giúp góp phần bảo vệ môi trường và có nguồn biogas dồi dào để đun nấu, tiết kiệm được chi phí chất đốt trung bình khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/năm.

Qua 3 năm thực hiện dự án, thời gian tuy chưa dài nhưng đã tạo được tác động rất tích cực đối với địa phương trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi quy mô nông hộ, rất phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi bền vững./.

Trạm Khuyến nông Tân Trụ, Long An