Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế đồng thời đề ra các giải pháp phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản, ngày 25/3/2015 vừa qua, UBND xã Diễn Trung đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nuôi trồng thủy sản năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

Ông Hồ Công Thắng – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2014, Tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của xã là 28ha, nuôi cá 4ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 179,5 tấn, giá trị thu được là 19 tỷ đồng, trong đó sản lượng nuôi tôm đạt 164,5 tấn, cá 15 tấn. Năng suất nuôi tôm bình quân đạt 8 tấn/ha, có một số hộ nuôi đạt năng suất cao từ 9 – 11 tấn/ha như hộ ông Ngô Xuân Đại, Nguyễn Công Bắc, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Mạnh Hùng…

Bện cạnh những thành công đó còn một số tồn tại, như: Nhiều hộ gia đình chưa chấp hành đúng lịch mùa vụ nuôi, chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, một số hộ dân còn có tư tưởng chủ quan, lấy giống chưa qua kiểm dịch, ý thức cộng đồng chưa cao, chất thải chưa được xử lý triệt để. Trong năm 2014, dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra 9ha ở các hộ nuôi, chiếm 30% diện tích, tình trạng ô nhiểm môi trường ngày càng tăng…

Năm 2015, khi có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở địa phương, UBND xã đã lập tờ trình xin quy hoạch vùng nuôi ở Ngâm La, Ngâm Bàng, Cửa Hiền, Đập Ráng, tạo điều kiện cho các hộ nuôi phát triển. Diện tích được mở rộng tăng lên 37ha (tăng thêm 9ha so với năm 2014), gồm có 60 hộ dân nuôi tôm.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ thiên nhiên một cách hiệu quả, bền vững, UBND xã đã đề ra các giải pháp:

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ đúng lịch mùa vụ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

+ Chỉ đạo những hộ nuôi có cơ sở hạ tầng đảm bảo thì thả 2 vụ tôm/năm, còn một số hộ nuôi hệ thống ao hồ chưa đảm bảo thì chỉ thả 1 vụ/năm, nhằm giảm rủi ro.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn giống trước khi thả ở các ao nuôi.

+Kiểm tra, kiểm soát các đại lý kinh doanh thức ăn, thuốc trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương để đảm bảo chất lượng.

+ Chỉ đạo mỗi vùng nuôi thành lập một tổ cộng đồng, tổ xây dựng quy chế thống nhất, tự thành lập quỹ để hỗ trợ nhau dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra.

+ Các tổ cộng đồng thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giúp nhau nuôi tôm có hiệu quả, bền vững.

+ Huy động nguồn vốn để xây dựng mương cấp, mương thoát nước riêng biệt, giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh.

+ Khơi thông, mở rộng lòng lạch Cửa Rào, tạo điều kiện cho các hộ nuôi lấy nước thuận tiện hơn khi có nước thủy triều lên.

+ Chỉ đạo, kiểm tra các hộ nuôi, tuyệt đối không được thải trực tiếp chất thải ra môi trường.

Với sự mạnh dạn đầu tư nuôi tôm để phát triển kinh tế của người dân Diễn Trung và sự quan tâm của các cấp, các ngành, hi vọng Diễn Trung sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả để phát triển bền vững nguồn lợi này.

                                                            Cao Thị Hà

Trạm Khuyến nông Diễn Châu, Nghệ An