Với quy mô triển khai 450 ha, gồm 15 mô hình, 30 điểm sản xuất cà phê bền vững, có 900 hộ nông dân tham gia, trong đó tham gia thực hiện Bộ nguyên tắc cà phê 4C: 270 ha với 540 hộ, Bộ nguyên tắc Utz Certifiied: 180 ha với 360 hộ nông dân. Năng suất đạt đạt 3,5 - 4,3 tấn nhân/ha. Kết quả là 450 ha/900 hộ/5 tỉnh đều được cấp giấy chứng nhận. 4/8 đơn vị đăng ký thực hiện chương trình cấp giấy chứng nhận Utz; 4/8 đơn vị đăng ký cấp chứng nhận 4C. Kết quả 8/8 đơn vị/450 ha đều được cấp giấy chứng nhận mức trung bình vàng - Green (xanh).

So sánh sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận với sản xuất cà phê đại trà thì năng suất không tăng nhiều nhưng nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào từ 5 - 6 triệu đồng, cộng giá trị thưởng tăng giá khoảng 6.352.000 đồng/ha. Sản phẩm cà phê có nơi tiêu thụ ổn định, nông dân yên tâm không phải lo đầu ra.

Các học viên trao đổi, thảo luận tại lớp tập huấn kỹ  thuật sản xuất cà phê bền vững tại thị trấn Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Dự án đã tập huấn cho 2.880 lượt nông dân; Tổ chức hội thảo, tham quan mô hình cho khoảng 2.250 lượt người. Nội dung tập huấn gồm: Giới thiệu Bộ quy tắc 4C; Xây dựng nhật ký nông hộ; Kỹ thuật nhân giống cà phê; Kỹ thuật tạo hình cây cà phê; Kỹ thuật tưới nước; Quản lý dinh dưỡng; Quản lý sâu bệnh hại; Ghép cải tạo cà phê vối và biện pháp chăm sóc sau ghép; Thu hoạch, chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng cà phê; An toàn vệ sinh lao động và sơ cấp cứu; Thực hành tạo hình, cắt cành, ghép cải tạo; Thực hành bón phân và chẩn đoán sâu bệnh hại... Các lớp tập huấn đều kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp trên vườn cà phê đã giúp đội ngũ khuyến nông viên và nông dân nòng cốt tích lũy được những kiến thức cơ bản về sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận và biết áp dụng vào thực tế sản xuất trên vườn cà phê của gia đình, đồng thời phổ biến nhân rộng cho nông dân tại địa phương.

Thành công của dự án đã góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người sản xuất cà phê; Sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí, sản xuất theo quy trình hợp lý; góp phần giảm chi phí đầu vào. Dự án đã làm thay đổi tập quán canh tác của người trồng cà phê, bảo vệ môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế phát triển của các loại bệnh hại nguy hiểm. Từ đó, tăng chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, mô hình đã nhân rộng đến các hộ nông dân sản xuất trên địa bàn, tăng số diện tích lên 1.050 ha, toàn bộ sản lượng thuộc diện tích cà phê của các hộ tham gia dự án đều đạt yêu cầu chứng nhận, từ đó nhiều hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận.

Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam số Xuân Ất Mùi