Tham gia mô hình có 2 hộ, với diện tích nuôi là 2.000m2/hộ, mật độ thả nuôi 1,5 con/m2, kích cỡ cá giống ≥4cm/con (nguồn cá giống thu gom từ tự nhiên), thời gian nuôi 7 tháng. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm KNKN Quảng Ngãi hỗ trợ 100% con giống, 30% chi phí thức ăn, chế phẩm sinh học và thuốc phòng bệnh. Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật cải tạo ao, kỹ thuật nuôi, biện pháp chăm sóc quản lý và phòng trị bệnh cho cá nuôi.

Cá măng sau 4 tháng nuôi tại hộ Ông Lê Ga, xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ.

Trong quá trình triển khai, các hộ nuôi luôn chủ động trong công tác phòng bệnh cho cá nhất là từ giai đoạn cá được 3 tháng nuôi trở lên như: xử lý vôi định kỳ nhằm ổn định pH nước, dùng Zeolite để xử lý đáy ao định kỳ, dùng vitamin C và men tiêu hóa để phòng bệnh cho cá nuôi...  

­­­­­­­­­­­­­­Sau thời gian 4 tháng nuôi, qua đánh giá cho thấy: Cá đang phát triển tốt, tỷ lệ sống của cá ước đạt 87%,  trọng lượng cá bình quân đạt 300g/con. Trong điều kiện nuôi, cá măng thích nghi và sử dụng tốt thức ăn công nghiệp với hàm lượng protein từ 25 - 40% nên thuận  tiện cho việc chăm sóc, ít bị ô nhiễm môi trường. Với những đặc điểm của cá măng như: nhanh lớn, ít dịch bệnh, chất lượng thịt của cá thơm ngon, giá thành cao, dễ tiêu thụ…, do đó cá măng là một trong những loài cá thích hợp cho mục đích đa dạng hóa các đối tượng trong nuôi trồng thủy sản. 

Ngoài ra, mô hình còn tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có cơ hội nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi cá măng với hình thức nuôi trong ao đất, sử dụng những ao nuôi tôm cũ.

Các hộ thực hiện mô hình hiện đang tiếp tục quản lý chăm sóc cá, chú trọng công tác phòng bệnh và chủ động ứng phó với bão lũ trong giai đoạn bước vào mùa mưa bão hàng năm nhằm hạn chế những thiệt hại thấp nhất cho mô hình.

                                                                                            Tôn Nữ Ngọc Bảo

Trung tâm KNKN Quảng Ngãi