Đây là giống lợn được lai giữa bố là là lợn ngoại và mẹ là Móng Cái, được chọn lọc tại địa phương, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo quy trình phòng bệnh, cách ly, kiểm dịch nghiêm ngặt.

Chị Võ Thị Diệu Nga ở thôn Tích Tường (xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị) là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình “Nuôi lợn sinh sản hướng nạc”. Gia đình chị được Trung tâm KNKN hỗ trợ 3 con lợn nái F1 có trọng lượng bình quân 50kg/con và một phần thức ăn cho lợn; được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát tài liệu về cách chăm sóc. Chị cho biết, so với nuôi lợn nái Móng Cái trước đây, lợn nái lai tuy chăm sóc đòi hỏi chu đáo hơn nhưng đàn lợn giống chất lượng cao hơn. Lợn con nuôi nhanh lớn, bình quân mỗi tháng tăng trọng từ 23 - 27 kg/con và chỉ nuôi khoảng 03 tháng là có thể xuất bán, giá bán lại cao hơn so với giống lợn địa phương từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Năm 2014 vừa qua, sau khi trừ chi phí thì đã mang lại thu nhập cho gia đình hơn 60 triệu đồng. Từ cặp giống ban đầu, chị đã nhân giống và đến nay đàn heo trong chuồng lúc nào cũng gần 30 con. Dự kiến trong thời gian tới chị sẽ mở rộng quy mô chuồng trại và tiếp tục nhân giống đàn lợn nái lai lên khoảng 15 con.

Xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) là xã có số hộ chăn nuôi lợn khá lớn, tuy nhiên phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi lợn chủ yếu là tận dụng nên hiệu quả chưa cao. Năm 2014, Trung tâm KNKN Quảng Trị đã hỗ trợ các hộ dân ở xã Triệu Vân 12 con lợn nái F1. Để thực hiện tốt mô hình, trước khi nhận con giống và vật tư, các hộ tham gia thực hiện mô hình được kiểm tra kỹ lưỡng điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, tiềm năng chăn nuôi và được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng trại, phối hợp khẩu phần từ nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn, cách phòng trị một số bệnh thường gặp. Đến nay, sau hơn 1 năm nuôi, lợn sinh trưởng và phát triển tốt, cả 12 con lợn mẹ do Trung tâm hỗ trợ đã đẻ, có con đẻ 2 lứa với chất lượng lợn giống khá tốt. Bình quân 10 – 12 con/lứa. Trọng lượng lợn mẹ bình quân 80 - 90 kg/con, sản sinh ra lợn nuôi thịt F2 có chất lượng tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, tăng trọng bình quân từ 20 - 25 kg/con/tháng. Nhiều lợn mẹ đã phối giống lứa thứ 3, thứ 4.

Phó chủ tịch UBND xã Triệu Vân – Hồ Xuân Đức khẳng định: Với một xã vùng cát như ở Triệu Vân, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp thì việc triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc có ý nghĩa rất quan trọng đối với người nông dân. Mô hình này vừa thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đàn lợn giống ở địa phương, đồng thời đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sinh sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường chăn nuôi. Một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi chuyên dụng, nâng cao quy mô.

Theo ông Đào Ngọc Hoàng – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ (Trung tâm KNKN tỉnh) thì ưu điểm của mô hình này, đối với lợn nái sinh sản là tỷ lệ thụ thai cao hơn giống lợn nội, mỗi lứa sinh sản bình quân đạt từ 10 - 12 con. Giá bán lợn giống cao hơn giống lợn nội từ 1,5 – 2 lần. Đối với lợn thịt thì tỷ trọng tăng trưởng cao hơn và tỷ lệ nạc cũng cao hơn từ 4 - 6%, giá bán cũng cao hơn so với giống lợn nội từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Vì vậy, kể từ khi triển khai mô hình đến nay, mô hình luôn được người dân địa phương đồng tình ủng hộ và ngày càng nhân rộng. Từ 131 con lợn giống ban đầu, đến nay, cả đàn lợn nái và lợn thịt đã tăng lên hơn 1.000 con với hàng trăm hộ tham gia ở nhiều địa phương trong tỉnh như Hải Lăng, Triệu Phong, TX. Quảng Trị...

Có thể nói mô hình “Chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc” ngoài việc góp phần cải tạo đàn lợn tại địa phương, nâng tỷ lệ đàn nái ngoại, tăng tỷ lệ nạc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, còn làm thay đổi tập quán chăn nuôi sử dụng giống địa phương, phương thức chăn nuôi cũ; giúp bà con nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Hiệu quả bước đầu của mô hình là cơ sở để nhân ra diện rộng, giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi, đồng thời giúp họ hạch toán và quản lý tốt chăn nuôi, từ đó có sự đầu tư tốt, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thịt sạch của người tiêu dùng.

Thục Quyên