Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, vụ đông xuân 2014-2015, vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên gieo sạ 262.910 ha, giảm hơn vụ đông xuân trước gần 3.300 ha; trong đó vùng duyên hải Nam Trung Bộ gieo trồng 179.820 ha, giảm 780 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa đông xuân trà đầu thu hoạch 60.000 ha, trà chính vụ ở giai đoạn trổ bông, tình hình sâu bệnh hại đang phát triển tăng cao, cơ quan bảo vệ thực vật tại các địa phương tập trung phòng trừ. Năng suất lúa đông xuân đạt 62 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,629 triệu tấn, giảm khoảng 35.000 tấn so với cùng kỳ.

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; bão lũ, khô hạn... đang xảy ra thường xuyên, bất ngờ hơn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy trong vụ hè thu, vụ mùa đến sẽ chuyển đổi 8.891ha, trong đó Tây Nguyên 4.466ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 4.425ha.

Căn cứ nguồn nước hiện có trong các hồ đập chứa, dự báo vụ hè thu đến sẽ diễn ra nắng gắt và thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước tưới, nhiều ý kiến tại hội nghị đã đưa ra giải pháp chống hạn cụ thể:

- Đối với khu vực Trung Bộ, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch để dành cung cấp cho vụ hè thu. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn như sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Ba - Bàn Thạch (Phú Yên), sông Cái (Phan Rang, Ninh Thuận)… sẽ được bổ sung nước trong thời kỳ khô hạn.

- Khu vực Tây Nguyên sau mùa mưa lũ, từ tháng 11/2014, nguồn nước các sông suối cũng đã giảm mạnh. Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương trong thời gian tới cần rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng phù hợp đảm bảo an toàn sản xuất; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại.

Đặc biệt, các địa phương kiên quyết không cho nông dân gieo sạ trên những khu vực không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ hoặc không có nguồn nước tưới bổ sung, chuyển những diện tích trên sang trồng các loại cây khác theo những mô hình luân canh, xen canh mà các địa phương đã thực hiện có hiệu quả trong vụ hè thu năm trước. Ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, các địa phương tranh thủ đất còn ẩm triển khai cày ải phơi đất; các hợp tác xã vận động nông dân nạo vét tu sửa kênh mương nội đồng, tiến hành vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ ngay khi có mưa, đủ nước, đồng thời chỉ gieo sạ giống ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày) đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2014-2015 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gieo sạ 262.910 ha với sản lượng dự kiến đạt 1.629.410 tấn, giảm hơn 35.000 tấn so với vụ đông xuân trước. Nguyên nhân chính là do nắng hạn nặng tại một số địa phương như Đăk Lăc, Khánh Hòa và một số tỉnh Tây Nguyên nên không thể trồng lúa hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác với diện tích hơn 4.880 ha.

Theo Tổng Cục thủy lợi, mùa khô năm nay khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy. Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa, đập tràn đều thấp hơn dung tích thiết kế nên có khả năng xuất hiện khô hạn trên diện rộng và xâm nhập mặn….

Ông Hoàng Thanh Tiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất, đối với vùng Tây Nguyên chủ yếu là canh tác cây công nghiệp dài ngày, cần có cơ chế chính sách quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, tránh tình trạng lãng phí, chỗ thừa chỗ thiếu.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

- Các địa phương không được chủ quan trong việc quản lý chỉ đạo sản xuất, nhất là đối với việc phòng chống hạn hán.

- Chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết; quản lý chỉ đạo tốt khung thời vụ, tăng cường phòng, chống hạn hán, xâm ngập mặn, đảm bảo cấp nước. Các địa phương vận động nhân dân sản xuất lúa tập trung, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, “3 giảm 3 tăng”, IPM, tăng cường dự tính dự báo, hướng dẫn phòng trừ dịch hại...

-  Các Sở NN-PTNT phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện để bổ sung nguồn nước cho hạ du để đủ nước sản xuất nông nghiệp. Đồng thời các địa phương rà soát lại, khoanh vùng sản xuất lúa, chuyển đổi cây trồng phù hợp theo điều kiện ở từng địa phương.

Hồ Tiến Cương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia