Mô hình triển khai tại các xã Bảo Linh, Bảo Cường, Kim Sơn và Linh Thông; quy mô 1.600 con vịt bầu cổ xanh, với 18 hộ tham gia, nhằm khôi phục và phát triển giống vịt bầu cổ xanh trên địa bàn.

Mỗi vịt bầu cổ xanh cái đẻ từ 150 - 180 quả trứng/năm.

Để đảm bảo nguồn giống, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã ký hợp đồng chuyển giao từ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi. Vịt giống cấp cho các hộ dân là giống vịt bầu cổ xanh dòng bố, mẹ thuần chủng loại 10 ngày tuổi, đã tiêm phòng các loại vắc-xin phòng các bệnh viêm gan siêu vi trùng, dịch tả vịt và đã được kiểm dịch của cơ quan thú y. Trong quá trình nuôi các cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con tuân thủ các quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo hướng an toàn sinh học…

Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình bước đầu mang lại kết quả khả quan. Kết quả cho thấy, vịt bầu cổ xanh là giống vịt bản địa rất thích nghi với điều kiện địa phương, đàn vịt  sinh trưởng phát triển tốt, có tỷ lệ đồng đều cao; ít mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp (chỉ 5%, chủ yếu là do sơ xuất để chó, chuột… cắn ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi). Hiện tại, đàn vịt của các hộ bắt đầu đến tuổi sinh sản, đang trong giai đoạn đẻ bói, tỷ lệ đẻ trứng mới đạt từ 30 - 40%, một số hộ đạt 60 - 70%.

Theo ông Đào Phương Tuấn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, thời gian nuôi vịt sinh sản kéo dài từ 24 - 30 tháng; mỗi vịt bầu cái một năm đẻ từ 150 - 180 quả trứng. Mỗi hộ nuôi quy mô 100 con vịt bầu sinh sản, thực hiện chăm sóc và nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm có thể thu lãi trên 50 triệu đồng từ tiền bán vịt giống. 

Trạm Khuyến nông tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vịt bố mẹ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người dân phát triển nhân rộng mô hình, thông qua việc ấp nở con giống để cung ứng vịt giống cho các hộ nuôi theo hướng lấy thịt trong địa bàn và các vùng lân cận.


Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên