Theo ông Lê Quý Kha, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt nam, thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” xuất phát từ châu Âu, được hiểu là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi có kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị nhưng không cần sự có mặt con người trực tiếp mà dựa vào hệ thống thiết bị để đưa ra những quyết định một cách tự động. Bên cạnh đó, nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của “nông nghiệp thông minh” x “công nghệ thông minh” x “thiết kế thông minh” x “doanh nghiệp thông minh”.

Ông Lương Ngọc Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần Hệ thống Việt cho biết các đặc thù khi triển khai nông nghiệp 4.0 so với công nghiệp 4.0 là các qui trình vận hành không được chuẩn hóa như bên công nghiệp mà phải rất linh hoạt để phù hợp với loại cây trồng, vật nuôi, ngày tuổi của cây trồng vật nuôi, sự thay đổi của điều kiện thời tiết, kinh nghiệm, bí quyết riêng tại từng địa phương. Trình độ nhân lực, kỷ luật lao động trong ngành nông nghiệp hạn chế hơn so với sản xuất công nghiệp. Điều kiện hoạt động khắc nghiệt của thiết bị như mưa ẩm, ngập nước, ánh nắng, gió biển, khoảng cách kết nối xa, không có sẵn nguồn điện, hạ tầng thông tin,  khó bảo quản, dễ mất trộm. Chủng loại thiết bị, cơ cấu chấp hành không yêu cầu đa dạng như bên công nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều sản phẩm và mô hình nông nghiệp 4.0 đã được giới thiệu. Có thể kể đến những sản phẩm, mô hình như sản phẩm Smart Chick, mô hình ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển canh tác thông minh, sản xuất rau xà lách ít kali theo mô hình Akisai Cloud, ..

Sản phẩm Smart Chick là sản phẩm phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi. SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu thông qua internet.

Mô hình ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển canh tác thông minh của Trường CĐ nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc có chức năng giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và tưới nước cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một số mô hình nổi bật tiếp cận chăn nuôi thông minh 4.0 ở Việt Nam phải kể đến là Tập đoàn TH True Milk. Với dự án sữa tươi sạch, tập đoàn TH đã thực hiện cuộc cách mạng 4.0 trong ngành sữa với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới như công nghệ quản lý đàn bò của Afimilk. Với công nghệ này, bò được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính (quản lý động dục, cảnh báo và phát hiện viêm vú trước 4 ngày, phân loại bò, kiểm tra năng suất và chất lượng sữa…). Công ty còn ứng dụng công nghệ quản trị thú y của Totally VET – New Zealand; Công nghệ phối chế khẩu phần và quản lý  thức ăn của Israel (RationAll và One 1) với khẩu phần được phối chế cho từng nhóm bò; Công nghệ lọc nước uống cho bò của Amiad -Israel; Công nghệ xử lý chất thải Aqua – Hà Lan; Công nghệ Chế biến phân Compost của Sun Eath – Nhật Bản; Hệ thống quản lý tài chính của CHLB Đức; Hệ thống vắt sữa tự  động - khép kín và vi tính hóa, đảm bảo kiểm soát chất lượng sữa tốt nhất.

Về chăn nuôi gia cầm, một trong những công ty tiếp cận thành công mô hình chăn nuôi thông minh 4.0 đó là Công ty Cổ phần DTK. Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới được triển khai tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng gà sạch. 100% các con giống chất lượng hàng đầu từ những thương hiệu uy tín trên thế giới như gà giống của tập đoàn Hy-line (Mỹ).Tất cả được nuôi dưỡng trong hệ thống nhà tiền chế cách nhiệt Agrotop (Israel) và hệ thống lồng nuôi, thiết bị điều khiển tự động nhiệt độ, độ ẩm, lưu lượng gió của Hytem (Nhật Bản) và hệ thống làm sạch nước của Nagakawwa (Nhật Bản). Thời gian cung ứng sản phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong vòng 24 giờ.

Nguyễn Văn Bắc 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia