TS Trần Văn Khởi nhấn mạnh, FFS là phương pháp tập huấn hiệu quả, tránh sự nhàm chán và tạo được hứng thú cho người học thông qua tham quan các mô hình sản xuất thực tế trên đồng ruộng, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay thì phương pháp FFS trở nên cần thiết và phù hợp với công tác khuyến nông.

TS Trần Văn Khởi phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn

 

Mỗi lớp tập huấn diễn ra 05 ngày. Tại đây, các học viên được nghe một số vấn đề cơ bản về tập huấn cho nông dân tại hiện trường (FFS). Đây là phương pháp tập huấn có sự tham gia, lấy người học làm trung tâm tạo ra sự giao tiếp 2 chiều nhằm nâng cao tính tự quyết của của học viên, đảm bảo tính bền vững trong đào tạo. Qua đó các học viên nắm được phương pháp và kỹ năng tập huấn áp dụng trong FFS như khởi động; thảo luận nhóm; thực hành; kỹ năng thúc đẩy; lắng nghe; đặt câu hỏi; khai thác và sử dụng kinh nghiệm của người dân… Đồng thời nắm được phương pháp tổ chức lớp học hiện trường với các bước như: chọn cộng đồng và thành viên tham gia; triển khai hoạt động nhóm; xác định nhu cầu sản xuất và mối quan tâm; xác định khó khăn, lựa chọn giải pháp và chủ thể học tập; lập kế hoạch thực hiện; triển khai thực hiện, theo dõi giám sát; đánh giá và lập kế hoạch tiếp theo.

Nhằm giúp học viên nắm chắc lý thuyết, Ban tổ chức sắp xếp cho học viên tham quan và thực hành thực tế tại HTX sản xuất rau sạch huyện Yên Dũng, HTX nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng. Học viên được chủ hộ chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất và hiệu quả kinh tế, từ đó giúp đội ngũ cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông có thêm kiến thức mới để tuyên truyền tới bà con nông dân địa phương.

 

Học viên tham quan HTX sản xuất rau sạch huyện Yên Dũng

 

Thanh Phúc

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang