Đến dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Nông Nghiệp&PTNT, các Ban ngành liên quan, đại diện Phòng Kinh tế Nông nghiệp & PTNT cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức Trung tâm KNKN.

Với chức năng nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn, trợ giúp nông, ngư dân phát triển kinh tế nông-lâm-thủy sản, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bạc Liêu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Về công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, Trung tâm triển khai thành công hai dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là: Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP giúp giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất (tăng 0,2 tấn/ha so với mô hình đại trà) và tăng thu nhập cho người sản xuất (tăng khoảng 20 triệu đồng so với mô hình nuôi hiện tại); Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa với quy mô 60 ha/100 hộ. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, năng suất cao hơn so với yêu cầu của dự án, cao hơn 100 kg/ha so với sản xuất theo tập quán truyền thống.

Bên cạnh đó, một số  mô hình trình diễn, sản xuất thử bằng nguồn kinh phí của tỉnh cũng đã được thực hiện trên các địa bàn như: Mô hình nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP; Mô hình nuôi vịt xiêm Pháp; Mô hình trồng ngò rí trong nhà lưới Mô hình trồng kiểng lá (Phú Quý và Ngọc Ngân); Mô hình 2 lúa + 1 mè)… Ngoài ra còn 6 mô hình từ nguồn kinh phí khuyến nông bổ sung năm 2015 của Sở Nông nghiệp & PTNT…

Tuy các mô hình được thực hiện trong điều kiện dịch bệnh khó kiểm soát, thị trường giá cả đầu ra sản phẩm xuống thấp không ổn định, nhưng với việc áp dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất đúng mức đã phần nào hạn chế rủi ro do dịch bệnh và cũng thể hiện ưu thế của mô hình so với cách sản xuất thông thường, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Một số hình trình diễn sản xuất thử có một số mô hình có thể nhân rộng

Về công tác tập huấn, đào tạo, trong năm, Trung tâm đã thực hiện 07 lớp tập huấn đào tạo ToT cho 240 người là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông; Tập huấn thường xuyên là 89/70 lớp (thủy sản 25 lớp, trồng trọt 46 lớp, chăn nuôi 18 lớp) với 2.060 bà con nông dân ; Tập huấn chuyên đề là 136/130 lớp (thủy sản 55 lớp, trồng trọt 37 lớp, chăn nuôi 44 lớp) cho  6.045 nông dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác tập huấn luôn bám sát và đáp ứng nhu cầu thực tế của từng huyện, các lớp tập huấn chuyên đề triển khai đúng kế hoạch đề ra, thành phần học viên tham dự đúng tiêu chí của lớp tập huấn. Tài liệu kỹ thuật và tờ bướm được phát hành với nội dung và hình ảnh đẹp, phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Tài liệu được cấp phát đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu thực tế của từng vùng sản xuất.

Ngoài ra, các Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện, thị xã và thành phố còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Người cao tuổi, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tổ chức 128 lớp tập huấn về các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Trong đó 116 lớp tập huấn thường xuyên, 12 lớp tập huấn chuyên đề cho hơn 3.452 nông dân.

Trong năm, tổ chức 09 cuộc hội thảo chuyên đề về lĩnh vực thủy sản và trồng trọt; Chủ trì huấn luyện và đưa nông dân tham gia hội thi “Từ ruộng vườn đến trường quay” lần thứ I tổ chức tại Cần Thơ; Chủ trì huấn luyện và đưa nông dân tham gia hội thi “Nông dân sản xuất lúa giỏi vùng ĐBSCL” tại Hậu Giang, đạt giải Ba.

Trung tâm còn thực hiện 6 chuyên mục trực tiếp “Đồng hành cùng nhà nông” trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu. Thông qua các chuyên mục đã chuyển tải những thông tin mới vào sản xuất, giải đáp những vấn đề yêu cầu sản xuất đặt ra một cách kịp thời nhằm giúp bà con nông ngư dân ứng dụng vào điều kiện sản xuất đạt hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp với các địa phương, đài truyền thanh các huyện, thành phố và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu thực hiện nhiều phóng sự chuyên đề giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, cảnh báo dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi, cây trồng và đưa tin tập huấn, hội thảo, nhiều phóng sự, tin tức, nêu gương sản xuất giỏi, các mô hình trình diễn mới của tỉnh.

Từ những kết quả đạt được, bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đã đánh giá cao vai trò của tập thể của toàn bộ cán bộ công nhân viên chức đơn vị, đồng thời nêu những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Trung Tâm cần có sự cải tiến, đổi mới hơn trong công tác tập huấn để không gây nhàm chán cho người nghe. Trung tâm có kế hoạch nhân rộng các mô hình đã triển khai đạt hiệu quả, mô hình sản xuất có hiệu quả trong điều kiện phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị cần nghiên cứu và phát huy tốt hơn trong năm tới, vì theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh việc xuất khẩu ra nước ngoài. 

                                                              Hoàng Trang

Trung tâm KN-KN Bạc Liêu