Theo lịch thời vụ của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, khâu rửa mặn cần thực hiện ngay từ đầu mùa mưa, tức là từ tháng 7 đến hết tháng 9 dương lịch. Trong đó, đảm bảo độ mặn trong ruộng ổn định ở mức dưới 1‰ khi gieo sạ. Tập trung gieo sạ trong tháng 9 để thu hoạch vào tháng 12 đến trước tết Nguyên đán.

Theo kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa - tôm với diện tích 39.404 ha tập trung ở các huyện Hồng Dân, Phước Long và Thị xã Giá Rai. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu triển khai Kế hoạch “Nhân rộng diện tích sản xuất lúa ST25” (thuộc chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2022) tại địa bàn các huyện Phước Long, Hồng Dân và huyện Đông Hải với quy mô 3.000 ha. Việc khuyến khích nông dân đưa vào sản xuất giống lúa này nằm trong chiến lược xây dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch” của tỉnh Bạc Liêu.

Hiện nay, người dân trong vùng chuyển đổi tôm - lúa của huyện Phước Long đã và đang xuống giống vụ lúa đúng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Những ngày này, về các ấp thuộc xã Phước Long và xã Vĩnh Phú Tây sẽ rất dễ bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang bơm nước, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa ST25 được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ.

Ông Dương Văn Hào ngụ ấp Phước Thạnh, xã Phước Long cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật qua các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, nông dân chúng tôi tiến hành cải tạo đất đầu vụ rất kỹ, tháo phèn, rửa mặn nhiều lần để đảm bảo khi gieo sạ lúa sẽ nảy mầm nhanh và phát triển tốt. Đây là năm thư 3 tôi gắn bó với giống lúa ST24, ST25. Chúng tôi tiếp tục hy vọng vào vụ lúa năm nay lúa ST25 vừa có giá bán cao vừa trúng mùa để cải thiện cuộc sống và thu nhập cho gia đình”.

Nông dân xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm

 

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa trên đất tôm, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu ngoài việc khuyến cáo người dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác như cải tạo, rửa mặn, giữ và tháo nước đúng quy trình trong suốt quá trình canh tác lúa, thời gian tới còn phải thường xuyên kiểm tra độ mặn để có biện pháp xử lý kịp thời và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, lượng mưa để chủ động các biện quản lý nước trên ruộng, gia cố bờ bao hạn chế xâm nhập mặn, nhất là thời điểm cuối mùa mưa.

Bên cạnh việc phải tất bật cải tạo đồng ruộng thì vấn đề đầu ra cũng đang là một trong những vấn đề được rất nhiều bà con trong vùng chuyển đổi đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, giống lúa, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh để liên kết bao tiêu lúa cho bà con. Với mong muốn chương trình mở rộng diện tích canh tác lúa ST25 tiếp tục mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Lúa ST25 trên đất tôm qua 3 năm thực hiện ngày càng khẳng định được hiệu quả về năng suất và chất lượng, cuộc sống nông dân vùng chuyển đổi ngày càng được cải thiện tốt đẹp hơn.

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu