Trong hai ngày giảng viên đã truyền tải thông tin và kiến thức về kỹ thuật phòng, trị một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Trong đó nhấn mạnh bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%; hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó để ngăn chặn bệnh thì giải pháp phòng bệnh là chính.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu, học viên sôi nổi với nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề cách nhận biết và phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như: bệnh tai xanh, LMLM, dịch tả, bệnh liên cầu khuẩn, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp, bệnh xuất huyết, tụ huyết trùng, phó thương hàn…; Ngoài ra, các học viên quan tâm cách phân biệt bệnh dịch tả lợn cổ điển với bệnh dịch tả lợn châu Phi; biện pháp ngăn chặn và cách xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Qua hội nghị tập huấn các học viên đã tiếp thu được những kiến thức về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn và nắm bắt được những thông tin cơ bản, biện pháp nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang được chú trọng triển khai bằng nhiều biện pháp, tạo điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững. Đặc biệt gần đây, để triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhanh chóng các biện pháp chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn tiếp tục đạt kết quả cao, đề nghị các phòng, các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Đối với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Tổ chức quản lý điều hành hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở. Phối hợp với chính quyền cấp xã tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng, kế hoạch vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường của tỉnh và huyện đã phê duyệt. Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.

- Đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn: Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh nguy hiểm trên đàn lợn thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo đàn lợn phát triển ổn định tại địa phương.

- Đối với các hộ, trang trại chăn nuôi lợn, các cơ sở giết mổ, sơ chế, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển: Tuyệt đối không mua lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; Các hộ, trang trại chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi. Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất cứ khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.

- Khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện: Các phòng chuyên môn, các đơn vị phối hợp triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh./.

Nguyễn Thị Mai

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh