Tham dự hội nghị có lãnh đạo của Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đại diện trung tâm khuyến nông các tỉnh có sản xuất ca cao và các doanh nghiệp thu mua ca cao.

Năm 2017, Trưởng ban điều phối ca cao Việt Nam đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-KN-BĐP về việc “Điều chỉnh tổ chức và kiện toàn nhân sự Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam”, theo đó cơ cấu Ban điều phối có 29 thành viên và được sắp xếp lại.

Về công tác giống: Hiện nay đã có 8 dòng ca cao vô tính được công nhận cho phép sản xuất (TĐ1, TĐ2, TĐ3, TĐ5, TĐ6, TĐ8, TĐ10, TĐ14) và 2 dòng sản xuất thử (TĐ7, TĐ9). Các dòng ca cao GU 175, JA 5/5, CL 19/10, PA 121 tiếp tục theo dõi ở Tây Nguyên. Có 3 dòng TC21, TD28 và TD31 do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn đã được sản xuất thử đạt năng suất bình quân từ 2,3 - 2,55 tấn hạt ca cao khô, hàm lượng bơ ≥ 55%.

Thăm mô hình sản xuất ca cao bền vững tại Đồng Nai

Trong công tác thông tin tuyên truyền, VCC là cơ quan đầu mối chia sẻ thông tin, tình hình sản xuất thu mua, chế biến, các điển hình sản xuất ca cao hiệu quả. VCC cũng đã xuất bản cuốn sổ tay về kỹ thuật sản xuất ca cao bền vững và duy trì trang web của Ban điều phối ca cao Việt Nam.  

Thông qua VCC, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động hợp tác với các nhà khoa học để chuyển giao công nghệ, góp phần tăng năng suất, chất lượng ca cao nhằm đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. VCC phối hợp với Cục Trồng trọt trình Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy trình sản xuất ca cao cho các tỉnh phía Nam.

Về hợp tác quốc tế, VCC đã tham dự Hội nghị Câu lạc bộ ca cao Asean (ACC) lần thứ 20 tại Phi-lip-pin với sự  tham dự của 41 đại biểu chính thức và các quan sát viên từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của các nước thành viên ASEAN.

TS. Trần Văn Khởi – Q. GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Trưởng ban điều phối Ca cao đã kết luận và định hướng hoạt động năm 2018 theo hướng hiệu quả bền vững như sau:  

- Ổn định tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, là đầu mối để liên kết hoạt động hỗ trợ phát triển ngành ca cao.

- Tăng cường hợp tác PPP, theo đó ngay đầu năm 2018, VCC sẽ họp bàn với các bên tham gia bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp về cơ chế hợp tác để hỗ trợ người sản xuất thông qua truyền thông, đào tạo và các mô hình hợp tác PPP.

- Phát triển, phổ biến giống ca cao mới có năng suất cao vào sản xuất. Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên là cơ quan đầu mối hợp tác với các trường đại học khác để nghiên cứu, chuyển giao giống ca cao mới. VCC là đơn vị thúc đẩy các bên tham gia cập nhật tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác mới để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả. 

Năm 2018 là năm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ca cao ASEAN lần thứ 21, dự kiến thời gian tổ chức vào cuối tháng 4 năm 2018.

TS. Nguyễn Viết Khoa 

Ban điều phối Ca cao Việt Nam