Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị: Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố trồng ca cao cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến ca cao tại Việt Nam. Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, trong đó tập trung vào đánh giá tình hình trồng, sản xuất, tiêu thụ và chế biến ca cao hiện nay, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết hội nghị như sau:

Những kết quả đã đạt được cho thấy năng suất ca cao tại Việt Nam ngày càng tăng và đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng và hương vị của ca cao Việt Nam đã được thế giới công nhận; có thị trường tiêu thụ rộng lớn… Đây là lợi thế trong việc xuất khẩu ca cao. Ngành hàng ca cao Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư sản xuất lớn, quan tâm đến chế biến sâu, các sản phẩm chế biến từ ca cao bước đầu được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Đã có những mô hình về sản xuất, chế biến ca cao kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao như: công ty ca cao Trọng Đức (Đồng Nai), công ty TNHH DV-TM-SX ca cao Thành Đạt (Bà Rịa – Vũng Tàu), công ty KIMMY (Tiền Giang)…

Ông Lê Quốc Thanh cũng nhận định những khó khăn trong phát triển ca cao hiện nay của Việt Nam. Diện tích ca cao đang có chiều hướng giảm đáng kể: diện tích cao nhất vào năm 2012 là 25.700 ha, đến năm 2019 chỉ còn 5.028 ha. Tuy nhiên theo đánh giá của các địa phương số diện tích ca cao giảm chủ yếu tập trung vào những hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung thâm canh nên năng suất, chất lượng ca cao thấp, sản xuất không có hiệu quả. Hiệu quả kinh tế của sản xuất ca cao thấp, làm giảm sức cạnh tranh với các cây trồng khác, chưa thực sự hấp dẫn nông dân, để họ có thể yên tâm đầu tư thâm canh ca cao. Công tác truyền thông về phát triển ca cao chưa đạt yêu cầu, còn thiếu sự quan tâm đến cây ca cao, kể cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước và Ban Điều phối phát triển Ca cao Việt Nam. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi đối với cây ca cao đang có vấn đề, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người trồng ca cao. Chưa có những hành động thúc đẩy hợp tác PPP trong ngành hàng ca cao. Kỹ thuật canh tác ca cao tại một số nơi chưa phù hợp, có nơi coi cây ca cao là cây trồng xen, cây trồng phụ, chưa có sự đầu tư đúng mức từ khâu trồng và chăm sóc. Những kết quả nghiên cứu về ca cao còn rất hạn chế, công tác giống còn nhiều bất cập… Chưa có những gói kỹ thuật sản xuất cho từng vùng cụ thể.

Toàn cảnh hội nghị

Trước những khó khăn trên, trong thời gian tới, Ban Điều phối phát triển Ca cao cần phải có những hành động cụ thể để tham mưu, đề xuất với Bộ giải pháp phát triển ca cao theo hướng an toàn, bền vững, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Phối hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương tổ chức điều tra, đánh giá lại thực trạng sản xuất, chế biến ca cao, bao gồm các nội dung: vùng trồng, diện tích, năng suất, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, công tác thu mua, chế biến, thị trường,…

-Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất. Đẩy mạnh công tác truyền thông trong ngành hàng ca cao.

- Có giải pháp đồng bộ về gói kỹ thuật cho từng vùng trồng, lựa chọn trồng xen ca cao với các cây trồng phù hợp, để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ca cao, trong đó chú trọng về công tác giống (bổ sung nguồn quỹ gen phục vụ cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống); vấn đề thị trường tiêu thụ, công nghệ chế biến, tìm kiếm nguồn lực, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành hàng ca cao Việt Nam,…

- Cần có cam kết, phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước của Bộ, địa phương và doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất với Bộ, tỉnh về chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ca cao bền vững. Ưu tiên nguồn kinh phí khuyến nông cho phát triển sản xuất ca cao.

- Kiện toàn Ban Điều phối Ca cao Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên, mời doanh nghiệp lớn tham gia trong Ban Điều phối.

Huy Thuấn

Ảnh: Thu Linh