Nhằm giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan xây dựng và áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường tính thích ứng, sự chịu đựng của sản xuất nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một trong những biện pháp đó là xây dựng thành công "Bản đồ nguy cơ khí hậu" ảnh hưởng đến nông nghiệp đối với 13 tỉnh, thành, vùng ĐBSCL trong năm 2017 – 2021.

Bản đồ nguy cơ khí hậu là bản đồ phản ánh các yếu tố thời tiết, khí hậu và hiện tượng nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp như hạn hán, xâm nhập mặn, lưu lượng lũ các sông… Nhiều nguồn tư liệu được thu thập để xây dựng bản đồ nguy cơ khí hậu, kể cả các hình ảnh chụp từ vệ tinh, yếu tố ảnh hưởng của thủy triều biển, mực nước sông Mê Kông và mức độ xả lũ tại các cửa sông chính cộng với kinh nghiệm chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và nông dân trực tiếp sản xuất trong vùng.

Các đại biểu tham gia xây dựng bản đồ CS MAP tại Đồng bằng sông Cửu Long
 

Bản đồ nguy cơ khí hậu đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT sử dụng để chỉ đạo các tỉnh vùng ĐBSCL trong vụ sản xuất lúa một số năm gần đây, giúp các địa phương điều chỉnh lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn trong sản xuất lúa gạo tránh xâm nhập mặn được dự báo sẽ trở nên trầm trọng do ảnh hưởng của El Nino năm 2019. Kết quả đạt được rất to lớn, hơn 600.000 hecta xuống giống sớm đã giúp nông dân tránh được các tác động bất lợi của xâm nhập mặn thường xảy ra trong vụ lúa Đông Xuân, các năm trước.

Ngoài ra bản đồ nguy cơ khí hậu còn giúp cho việc định hướng, xây dựng “Bản tin thời tiết nông vụ” một thông tin rất hữu ích cho nông dân. Dựa trên các thông tin, dự báo này việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của các cơ quan chuyên môn mang tính thực tế và hiệu quả cao như việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Bộ NN&PTNT (chuyển diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; chuyển vùng lúa bị mặn xâm nhập mạnh sang nuôi trồng thủy sản…) hay giúp cho nông dân chủ động tiến hành các biện pháp tích trữ nước ngọt (đào ao, mương, trải nilong đáy bơm nước ngọt chứa để tưới cho cây ăn quả trong thời gian, mặn xâm nhập vào các kênh mương trong đồng). Các tư liệu, thông tin hữu ích của bản đồ nguy cơ khí hậu và bản tin thời tiết nông vụ còn giúp cho các cấp chính quyền địa phương và nông dân nâng cao hiểu biết về độ mặn ảnh hưởng đến cây trồng, qua đó xác định lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng, biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả.

Để nông dân hiểu biết và sử dụng hiệu quả các dữ liệu trên bản đồ nguy cơ khí hậu và bản tin thời tiết nông vụ vào trong sản xuất nông nghiệp, ngoài công tác chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền ở các cấp, vai trò tuyên truyền, phổ cập thông tin của mạng lưới khuyến nông từ trung ương đến địa phương là hết sức quan trọng. Kết hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các mô hình trình diễn thực tế trên đồng ruộng, tổ chức các buổi thăm quan mô hình cho nông dân, tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp, nhận xét của nông dân, xây dựng, biên soạn tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn, kết hợp xây dựng các video clip, các phóng sự tuyên truyền qua hệ thống truyền hình, đài phát thanh trong tỉnh, huyện… là những hoạt động thiết thực mà hệ thống khuyến nông cần tiến hành để đóng góp, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn và nông dân trong việc hiểu rõ tác dụng của việc xây dựng và sử dụng bản đồ nguy cơ khí hậu & thông tin thời tiết nông vụ.

Trong tương lai, ngoài việc đã xây dựng thành công bản đồ nguy cơ khí hậu cấp tỉnh cho 13 tỉnh thành tại vùng ĐBSCL, Cuc Trồng trọt sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn hệ thống khuyến nông để phổ biến nhân rộng phương pháp trên phạm vi cả nước dựa trên kinh nghiệm  thành công tại các tỉnh ĐBSCL góp phần thực hiện chính sách  tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu nghành lúa gạo nói riêng của Bộ NN&PTNT thành công, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện chỉ tiêu đảm bảo 90% diện tích lúa an toàn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và duy trì sinh kế bền vững cho nông dân vùng ĐBSCL. Hàng năm các cơ quan chuyên môn và chính quyền cần tiến hành điều tra, đánh giá hiệu quả áp dụng bản đồ nguy cơ khí hậu, bản tin thời tiết nông vụ, qua đó nhân rộng hiệu quả, khắc phục các điểm yếu để điều chỉnh việc thực hiện hoặc bổ sung cần thiết giúp việc thực hiện được tốt hơn.

Trao bản đồ rủi do thiếu nước cho các địa phương đồng bằng Sông Hồng

Nguyễn Viết Khoa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia